Gia Lai: Chuyển biến tích cực sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư

03/06/2024 03:54 PM


Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh. Ngày 07/9/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới (Chỉ thị số 38).

Những kết quả nổi bật

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chỉ thị số 38, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/10/2009 để chỉ đạo tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ và 02 chương trình hành động thực hiện, hàng năm đưa chỉ tiêu BHYT để chỉ đạo trong toàn Đảng bộ tỉnh; HĐND tỉnh ban hành 08 Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thêm cho các đối tượng trên địa bàn; UBND tỉnh cụ thể hóa thành các quy định, đồng thời phân công, giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai chủ trì Hội nghị sơ kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW

Triển khai Chỉ thị, cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tổ chức học tập, quán triệt kịp thời, nghiêm túc Chỉ thị số 38, gắn với Luật BHYT và các quy định liên quan đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; 17 huyện, thị xã, thành phố và 220 xã, phường trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được cấp ủy, chính quyền đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 có thể khẳng định rằng, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về chính sách pháp luật BHYT đã có chuyển biến tích cực. Công tác thông tin, truyền thông và tuyên truyền BHYT có sự đổi mới nội dung và đa dạng hình thức, thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ, phù hợp với đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm... tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, từng bước đưa chính sách BHYT thực sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống chính sách an sinh xã hội.  

Công tác quản lý nhà nước về BHYT được tăng cường; công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp trong thực hiện công tác BHYT có nhiều chuyển biến tích cực; triển khai có hiệu quả ứng dụng VssID - BHXH số, sử dụng Căn cước công dân gắn chíp, sử dụng ứng dụng định danh mức 2 (VneID) để tra cứu thông tin thẻ BHYT giúp người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ dễ dàng từ tuyến y tế cơ sở. Chất lượng KCB BHYT từng bước được nâng lên, quyền lợi trong việc khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT không ngừng được cải thiện; người dân từng bước nhận thức được đầy đủ quyền lợi khi tham gia BHYT, được chăm sóc, điều trị sức khỏe ban đầu tốt hơn.

Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai Trần Văn Lực tặng thẻ BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số xã Biển Hồ

Số người tham gia BHYT và tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh tăng qua từng năm, nếu như năm 2009 - thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 38, toàn tỉnh có trên 882,8 ngàn người tham gia (tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đạt 69,36%) thì đến hết năm 2023, có trên 1,33 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 91% dân số của tỉnh; đảm bảo việc KCB BHYT cho người dân với tổng chi phí KCB năm 2009 trên 122 tỷ thì đến năm 2023 trên 885 tỷ đồng cho trên 658 ngàn lượt vào năm 2009 và trên 1,72 triệu lượt vào năm 2023. Tần suất khám chữa bệnh BHYT năm 2009 đạt 0,74 lượt/người/năm và đạt 1,31 lượt/người/năm vào năm 2020.

Một số tồn tại nhất định

Là một tỉnh miền núi có số dân hơn 1,6 triệu người, với 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số của tỉnh, do đó việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng I tham gia BHYT gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với học sinh, sinh viên nói riêng còn hạn chế; tỷ lệ học sinh tham gia chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh mặc dù tăng qua hàng năm, song chưa thật sự bền vững, năm 2020, toàn tỉnh Gia Lai có trên 1,39 triệu người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ bao phủ trên 90,5% dân số, trong đó có 82,93% người đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2021 sau khi có sự thay đổi về chính sách theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, độ bao phủ BHYT của tỉnh giảm còn 87,1%, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT là 74,1%. Bên cạnh đó, tình hình nợ đóng BHYT vẫn còn xảy ra, một số đơn vị cố tình chiếm dụng, không trích đóng, nợ đọng BHYT số tiền lớn, thời gian kéo dài. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của lao động, người dân trong việc khám chữa bệnh BHYT.

Tuyên truyền BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số

Mặt khác, chất lượng khám chữa bệnh tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh; tần suất khám, chữa bệnh BHYT còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc; tinh thần phục vụ người khám chữa bệnh bằng BHYT của một số cán bộ, nhân viên y tế chưa tốt, ảnh hưởng đến việc phát triển người tham gia.

Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHYT; phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật BHYT có mặt còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chỉ tiêu BHYT của đơn vị, địa phương chưa sâu sát, quyết liệt; sự phối hợp các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 38 có lúc, có nơi thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ. Một số đơn vị sử dụng lao động và người lao động dễ thỏa hiệp không tham gia BHXH, BHYT. Hình thức tuyên truyền đôi lúc chưa sâu sát đến từng nhóm đối tượng, đội ngũ tuyên truyền viên còn hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm. Mặt khác nhận thức của người dân và một số nhóm đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách về quyền lợi khi tham gia BHYT chưa đầy đủ. Công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHYT và kiểm tra thực hiện chính sách BHYT chỉ mới phát hiện sai sót, đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh thu hồi và kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định; chưa quyết liệt xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động.

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT bền vững

Dự báo kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro tài chính tiền tệ gia tăng. Trong nước, nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai diễn biến bất thường ảnh hưởng việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có BHXH, BHYT, BHTN; tỷ lệ người chưa tham gia BHYT chiếm gần 10% dân số của tỉnh; Quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối, do mức đóng BHYT không tăng tương ứng với mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật và nhu cầu khám chữa bệnh... Các mục tiêu y tế được xác định trong Nghị quyết 20-NQ/TW và Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030… cần có sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, đảm bảo thực hiện tốt chính sách BHYT trong thời gian tới.

Người dân đi KCB BHYT bằng ứng dụng VssID - BHXH số

Do vậy, việc thực hiện chính sách BHYT bền vững, hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, không những đạt độ bao phủ số người tham gia mà còn cần bảo đảm chất lượng, công bằng và hiệu quả cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đầu tư cơ sở vật chất y tế, đào tạo nhân lực y tế và tăng cường quản lý BHYT nhằm tiếp tục cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Để đạt được, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong triển khai chính sách BHYT thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tạo sự chuyển biến, thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia BHYT để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 38, chính sách, pháp luật BHYT, nhất là đối với các nhóm đối tượng được ngân sách tỉnh hỗ trợ mua BHYT và trách nhiệm mua BHYT của người lao động và các đơn vị sử dụng lao động.

Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước về BHYT; cơ quan quản lý nhà nước, ban chỉ đạo các cấp phối hợp chặt chẽ với BHXH ở địa phương thực hiện chế độ, chính sách BHYT quản lý tốt đối tượng tham gia BHYT từ cơ sở; củng cố và tăng cường quản lý Quỹ BHYT theo quy định của pháp luật. Tập trung rà soát, nắm chắc các nhóm đối tượng để có kế hoạch phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra: Đến cuối năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT, trong đó có 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT.

Thứ ba, tiếp tục cải cách, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện chế độ, chính sách BHYT. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng KCB, nhất là tuyến cơ sở; nâng cao năng lực, trách nhiệm đội ngũ y, bác sỹ đáp ứng nhu cầu KCB cho Nhân dân.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW và chính sách pháp luật về BHYT; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đi đôi với xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị vi phạm chính sách BHYT đối với người lao động, làm cơ sở tiến tới thực hiện BHYT toàn dân./.

ST