UBND tỉnh chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
18/08/2023 07:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dự thảo luật quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi địa phương.
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Hải Nguyễn
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 25. Mục tiêu của việc sửa đổi luật nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu.
Trong đó, Điều 15 quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Cụ thể, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Tiếp đó, xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi địa phương.
Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế tài chính về bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 125 của Luật này.
Bộ Tài chính thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đồng thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm hưu trí bổ sung; theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí bổ sung; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Bộ Tài chính thực hiện công tác thống kê, thông tin về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Gửi báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội theo quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật này.
Ngoài ra bộ này còn có trách nhiệm trình Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội.
Điều 18 của dự thảo luật đã quy định 17 trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội. Có thể kể đến như việc tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; tổ chức trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn.
Xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho từng người lao động; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền được hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức Công đoàn yêu cầu.
Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật. Thực hiện công tác thống kê, kế toán tài chính về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng có trách nhiệm công khai trên phương tiện truyền thông về người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Đồng thời, giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật...
Theo Phạm Đông (laodong.vn)
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...