Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 48/2022/NQ-HĐND - Góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra
07/03/2023 03:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai luôn quan tâm lãnh chỉ đạo việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế (BHYT). Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.
Giám đốc BHXH tỉnh trao thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn xã Biển Hồ, thành phố Pleiku.
Nghị quyết 48 - Tiến tới BHYT toàn dân
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng yếu thế xã hội được tham gia BHYT, thể hiện sự quan tâm xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, mang tính cộng đồng, đoàn kết, chia sẻ rủi ro, vượt qua lúc khó khăn, góp phần tích cực trong việc ổn định xã hội, hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, góp phần hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2023-2025, phấn đấu đến cuối năm 2025 có khoảng 95% dân số tham gia BHYT, trong đó có 98% người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT theo Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội. Ngày 09/12/2022, HĐND tỉnh Gia Lai đã thông qua Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND (Nghị quyết 48) quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025.
Theo Nghị quyết 48, có 03 nhóm đối tượng được Ngân sách của tỉnh hỗ trợ mức đóng BHYT bên cạnh mức hỗ trợ từ Ngân sách trung ương với tỷ lệ hỗ trợ từ 10 đến 30%, bao gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; học sinh - sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nghị quyết 48 ra đời là tiền đề cho việc phát triển người tham gia năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần phấn đấu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT theo Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI. Từ đó tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh trong thời gian đến.
Những kết quả bước đầu quan trọng
Để kịp thời triển khai Nghị quyết, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai đến UBND cấp xã, các cơ sở giáo dục và đào tạo, để phối hợp với cơ quan BHXH tiến hành thống kê, rà soát và phê duyệt danh sách chi tiết người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, học sinh sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc diện được ngân sách nhà nước đóng BHYT 100% để kịp thời chuyển đến cơ quan BHXH triển khai tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT theo Nghị quyết 48 để người dân biết và tự giác tham gia.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã phối hợp tích cực với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt thông tin tuyên truyền trên Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh và truyền hình các huyện, thị xã, thành phố nhằm tăng cường thông tin về chính sách này để người dân nắm bắt thêm.
Tính đến hết tháng 01/2023, toàn tỉnh có khoảng trên 135.300 người được hỗ trợ đóng BHYT theo Nghị quyết số 48 của HĐND tỉnh. Trong đó, có hơn 60.700 người cận nghèo tham gia BHYT, trên 52.600 người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và gần 21.900 người học sinh sinh viên là người dân tộc thiểu số. BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với UBND các xã khẩn trương rà soát, lập danh sách đối tượng thuộc diện được hỗ trợ để kịp thời in và cấp phát thẻ BHYT cho người dân.
Hướng dẫn người dân sử dụng thẻ BHYT khi đi KCB
Tiến tới hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra
Bước vào năm 2023, với tinh thần quyết tâm triển khai tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/12/2022 của Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 10 (Khóa XVI) về chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 trong đó có chỉ tiêu bao phủ BHYT, Quyết định 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025, trong đó năm 2023 tỉnh Gia Lai phấn đấu đạt 92,75% dân số của tỉnh tham gia BHYT và đến năm 2025 độ bao phủ BHYT của tỉnh đạt trên 95% dân số. Để đạt được chỉ tiêu này, cần sự vào cuộc tích cực của Cấp ủy, chính quyền, các ngành và đơn vị tiếp tục vào cuộc đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, từ ban hành Nghị quyết lãnh đạo, Quyết định giao chỉ tiêu hằng năm, kế hoạch thực hiện chỉ tiêu được giao, tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân.
Với đặc thù tỉnh miền núi như Gia Lai, có trên 47% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, sự tác động của thay đổi về chính sách như Quyết định 861/QĐ-TTg dẫn đến một số lượng lớn người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số không còn được tiếp tục hỗ trợ về BHYT, song có thói quen với tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Ngân sách nên việc chủ động tham gia của nhóm đối tượng này tương đối thấp. Vì thế, việc triển khai hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho một số nhóm đối tượng từ Nghị quyết, việc phối hợp của các cơ quan, ban, ngành với cơ quan BHXH tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT đặc biệt là Nghị quyết 48 đến mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn phù hợp với đặc thù văn hóa, vùng miền để dần thay đổi nhận thức của người dân tiến tới tích cực, chủ động tham gia BHYT để đảm bảo an sinh cho bản thân và gia đình.
Có thể khẳng định, Nghị quyết 48 của HĐND tỉnh có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người thuộc nhóm yếu thế có cơ hội được tiếp cận và hưởng chính sách BHYT, để được chăm sóc sức khỏe khi không may bị ốm đau bằng thẻ BHYT, từ đó góp phần đảm bảo an sinh cho bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời góp phần thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững.
Trần Văn Lực
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...