Tham gia BHYT - nhiều học sinh, sinh viên được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn

19/09/2022 07:24 AM


Chính sách BHYT đang ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt trong đó, đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) cũng được hưởng thụ nhiều lợi ích thiết thực từ chính sách này. Thực tế cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính với chi phí lớn lên tới hàng tỷ đồng, giúp các em và gia đình giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh (KCB), có thêm động lực để yên tâm điều trị bệnh.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, diện bao phủ BHYT HSSV qua các năm đều phát triển ổn định với xu hướng tăng dần. Nhiều trường học, địa phương đã đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. Điều đó thể hiện, nhận thức của các bậc phụ huynh về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT cho con em ngày càng được nâng cao một cách rõ rệt.

Năm 2021, cả nước có hơn 2,4 triệu HSSV KCB BHYT với gần 4,8 triệu lượt KCB với số tiền được quỹ BHYT chi trả là 1.981 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 2,2 triệu HSSV KCB BHYT với trên 3,9 triệu lượt KCB với số tiền được quỹ BHYT chi trả gần 1.770 tỷ đồng.

Có rất nhiều trường hợp HSSV đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn với chi phí từ vài trăm nghìn tới hàng tỷ đồng. Năm 2021 có 756 HSSV và 8 tháng đầu năm 2022 có 537 HSSV KCB BHYT với chi phí từ 100-200 triệu đồng/em được quỹ BHYT chi trả. Chi phí từ 200-500 triệu đồng/em được quỹ BHYT chi trả năm 2021 có 277 em, 8 tháng đầu năm 2022 có 190 em HSSV. Có 24 em HSSV đi KCB được quỹ BHYT chi trả với số tiền trên 500 triệu đồng/em vào năm 2021, 20 em được quỹ BHYT chi trả khi đi KCB với chi phí trên 500 triệu đồng vào 8 tháng đầu năm 2022.

Điển hình một số trường hợp HSSV được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn như Bệnh nhân có mã thẻ HS48686217XXXXX (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), có 24 lần KCB BHYT ngoại trú và điều trị nội trú trong năm 2021 với tổng chi phí được quỹ BHYT chi trả là 1,18 tỷ đồng;  Bệnh nhân có mã thẻ HS47979369XXXXX (phường 14, Q.Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) đi KCB BHYT ngoại trú và điều trị nội trú 02 lần trong năm 2021 với tổng chi phí quỹ BHYT chi trả là 1,14 tỷ đồng; Bệnh nhân có mã thẻ HS47979379XXXXX (phường Tân Thành, Q.Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) có chi phí KCB BHYT ngoại trú và điều trị nội trú 08 lần trong 8 tháng đầu năm 2022 được quỹ BHYT chi trả 1,1 tỷ đồng…

Có thể khẳng định, chính sách BHYT mang ý nghĩa nhân văn và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Đồng hành cùng các thế hệ HSSV nói riêng và người tham gia BHYT nói chung, trong nhiều năm qua, tấm thẻ BHYT đã được xem là “chiếc phao cứu sinh” không thể thiếu của mỗi người. Đặc biệt, với những HSSV, những người bị bệnh hiểm nghèo có thời gian chữa trị bệnh lâu dài, giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội, bởi tấm thẻ BHYT đã không chỉ giúp người bệnh có điều kiện được tiếp xúc, sử dụng với các vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cao, đắt tiền khi điều trị bệnh, mà còn giúp gia đình người bệnh không mắc vào cảnh sa sút kinh tế chỉ vì lo chi phí KCB cho người thân.

Bước vào năm học mới 2022-2023, trong bối cảnh được dự báo còn tiềm ẩn nhiều dịch bệnh gây rủi ro tới sức khỏe con người, công tác chăm sóc sức khỏe cho HSSV thông qua chính sách BHYT càng trở nên quan trọng. Công tác BHYT HSSV tiếp tục được triển khai quyết liệt với mục tiêu đạt 100% HSSV tham gia và được thụ hưởng chính sách BHYT. Để đạt mục tiêu này, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò, trách nhiệm của các nhà trường, thầy cô giáo trong việc thông tin, tuyên truyền vận động HSSV, cũng như phụ huynh của các em tham gia BHYT HSSV.

Tuệ Nhi