Bài 1: Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện – có hấp dẫn người dân?

15/10/2019 03:14 PM


Chính thức được luật hóa và tổ chức thực hiện từ ngày 01/01/2008, đến nay đã gần 12 năm, chính sách BHXH tự nguyện được thực thi và đi vào cuộc sống. Đây là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng

Chính thức được luật hóa và tổ chức thực hiện từ ngày 01/01/2008, đến nay đã gần 12 năm, chính sách BHXH tự nguyện được thực thi và đi vào cuộc sống. Đây là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, như vậy sẽ không còn giới hạn tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện. Điều này cho thấy chính sách BHXH tự nguyện ngày càng mở rộng diện bao phủ đến mọi người dân, nhất là lao động khu vực phi chính thức được tham gia vào lưới an sinh xã hội.

Tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện còn thể hiện ở chỗ người tham gia được tự lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, mức thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm tính đóng, với biên độ giao động này sẽ phù hợp với rất nhiều người lao động có các mức thu nhập khác nhau. Mức đóng bằng 22% trên mức thu nhập làm căn cứ đóng do người tham gia lựa chọn; được lựa chọn một trong các phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng một lần; đóng một lần cho những năm về sau (không quá 05 năm); đối với người tham gia BHXH tự nguyện đã đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu; trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm, nếu có nguyện vọng tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì lựa chọn một trong các phương thức đóng như trên, đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 120 tháng thì được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu; người đang hưởng lương hưu được quỹ BHXH đóng BHYT và được hưởng quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh theo quy định của Luật BHYT – điều này là rất quan trọng khi con người ta hết tuổi lao động, tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, không tạo ra thu nhập, nhưng đã có lương hưu, có BHYT thì đó được coi là “cứu cánh” của họ; rồi khi không may từ trần thân nhân được hưởng chế độ tử tuất đã thể hiện tính ưu việt của chính sách này.

Kể từ ngày 01/01/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, cụ thể: Hỗ trợ bằng 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác; khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện, ngoài ra căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện...

Tuy nhiên cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai số lượng người tham gia BHXH tự nguyện vẫn là một con số rất “khiêm tốn”. Mặc dù các cấp ủy đảng, chính quyền, các hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã rất nỗ lực tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành tờ rơi, pa – nô, áp – phic…; cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện đã tích cực tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với hội viên các Hội đoàn thể (Hội Nông dân, Hội phụ nữ…), với nhân dân ở nơi cư trú, nhưng đến nay toàn tỉnh mới chỉ có hơn 3.620 người tham gia BHXH tự nguyện (tính đến quý III/2019), chiếm khoảng gần 0,4% lực lượng lao động của tỉnh.

Vậy, nguyên nhân từ đâu? Khi chính sách BHXH tự nguyện ngày càng “tăng tính hấp dẫn”, nhưng người tham gia lại ở mức rất thấp như vậy?

Trước hết phải nói đến yếu tố chủ quan thuộc về công tác tổ chức triển khai, trong đó phải kể đến công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân chưa thực sự sâu, rộng. Thực tế hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu hoặc hiểu chưa đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện; một bộ phận người dân, trong đó có lao động khu vực phi chính thức còn chưa biết có chính sách BHXH tự nguyện? Nhiều người trong số đó còn nhầm lẫn BHXH với các loại hình bảo hiểm thương mại.

Người lao động chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già; chỉ thấy cái lợi trước mắt mà chưa tính về lâu dài phải có nguồn thu nhập bền vững như lương hưu, thẻ BHYT để đi khám, chữa bệnh lúc ốm đau, giải quyết được gánh nặng kinh tế gia đình. Thu nhập của người lao động khu vực nông thôn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp và không ổn định, khoản thu nhập của họ có lẽ chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày; đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo vấn đề thu nhập để đảm bảo cuộc sống còn là nỗi khổ, nỗi vất vả lo toan thì làm sao nghĩ đến việc tham gia BHXH.

Mấu chốt của vấn đề có lẽ nằm ở nội hàm các quy định của chính sách. Để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, người tham gia phải đóng BHXH đủ 20 năm trở lên (một thời gian có thể nói là dài); độ tuổi hưởng lương hưu nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi (quy định không được nghỉ hưu trước tuổi) làm cho sự kiên nhẫn, chờ đợi trở nên “mệt mỏi” và người tham gia có quyền so sánh với BHXH bắt buộc, bởi tại sao người tham gia BHXH bắt buộc được nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động mà người tham gia BHXH tự nguyện lại không được? Về mức đóng BHXH tự nguyện, với tỷ lệ đóng bằng 22% tính trên mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là một tỷ lệ khá cao đối với cá nhân người tham gia và đóng theo tháng (hoặc 03 tháng, hoặc 06 tháng, hoặc 12 tháng một lần) trong một thời gian dài, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và không phải lúc nào cũng đủ tiền để đóng như những lúc kinh tế khó khăn, ốm đau, những biến cố rủi ro trong cuộc sống phải “ưu tiên” chi phí trước. Mặc dù Nhà nước có hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện nhưng như vậy là chưa đủ “hấp dẫn”, bởi tỷ lệ hỗ trợ mức đóng bằng 30% đối với người thuộc nghèo, 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo, số còn lại họ phải đóng, mà đã là nghèo rồi thì phải lo cho đủ cơm, áo, gạo, tiền để duy trì cuộc sống trước mắt mới là ưu tiên hàng đầu, lấy đâu nghĩ đến việc lo cho tương lai! Còn đối với các đối tượng khác, hỗ trợ mức đóng bằng 10% là quá thấp, chẳng hạn người tham gia đăng ký mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện là 5 triệu đồng, mức đóng 22%, số tiền phải đóng là 1.100 ngàn đồng/tháng, hỗ trợ 10% bằng 110 ngàn đồng, như vậy họ còn phải đóng 990 ngàn đồng.

Quyền lợi BHXH tự nguyện cũng chưa đủ hấp dẫn, bởi tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng 05 chế độ (Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất); người tham gia có toàn bộ thời gian đóng BHXH tự nguyện, chỉ được hưởng trợ cấp tuất một lần, không được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Sự bất cập này có lẽ là nguyên nhân hàng đầu khiến người lao động tự do, lao động khu vực nông thôn không “mặn mà” với việc tham gia BHXH tự nguyện.
(Còn nữa)

Lê Hoàng