Nhiệm vụ của người làm công tác thanh tra chuyên ngành

30/09/2019 10:52 AM


Từ tháng 5/2019 đến nay, BHXH Gia Lai đã tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 30 đơn vị nợ từ 03 tháng trở lên trên địa bàn.

Từ tháng 5/2019 đến nay, BHXH Gia Lai đã tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất đóng BHXH, BHYT, BHTN trên 30 đơn vị nợ từ 03 tháng trở lên trên địa bàn.

Đây là nghiệp vụ rất quan trọng, ngoài xác lập các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị cố tình trốn đóng, chậm đóng, đóng không đúng, đủ số tiền BHXH, BHYT theo quy định mà trong quá trình thanh tra, cũng là dịp đại diện doanh nghiệp có dịp chia sẻ, trao đổi một số khó khăn, vướng mắc, tính đặc thù của DN và đề xuất kiến nghị những phương án cùng tháo gỡ phù hợp… góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN; nhân tố quan trọng đảm bảo thực thi chính sách, pháp luật. Thông qua hoạt động thanh tra chuyên ngành để phát hiện những sơ hở trong công tác quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách về an sinh xã hội.

Do đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành cần thực hiện hiệu quả trên tinh thần đúng pháp luật, công tâm, khách quan. Xuất phát từ nhận thức thanh tra là để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, đúng pháp luật hơn chứ không phải để “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết”...; từ đó, người làm công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH mới có được cái “Tâm”, có nhận thức được nhiệm vụ chính của mình là uốn nắn, hướng dẫn nghiệp vụ, tư vấn pháp luật để các đơn vị sử dụng lao động và người lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cho doanh nghiệp, đảm bảo công bằng trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Dẫu biết rằng, mục đích trước mắt của nghiệp vụ thanh tra là phải thu được tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN. Song, đối với các đơn vị đang gặp khó khăn về tài chính do hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả từ nhiều nguyên nhân, nên ưu tiên phương án thảo luận, tháo gỡ vướng mắc để đơn vị cam kết có lộ trình thực hiện trả nợ trong thời gian nhất định. Vì mục đích lâu dài hướng đến là bảo vệ được quyền lợi cho người lao động, tạo điều kiện duy trì hoạt động bình thường của doanh nghiệp...

Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo kỷ cương của nền hành chính nhà nước nhưng theo ý kiến cá nhân, đó là phương án cuối cùng của hoạt động thanh tra chuyên ngành mà công tác đôn đốc, tháo gỡ để đơn vị vượt qua khó khăn mới tạo ra được mối quan hệ hài hòa, bền vững, nhân văn giữa cơ quan BHXH - Doanh nghiệp và người lao động./.

SK