Tìm hiểu về NAS (Network Attached Storage)

20/01/2014 07:49 AM


Khi mà những nhu cầu căn bản nhất về máy tính như duyệt web, nghe nhạc hay xem phim đã được thỏa mãn, con người lại muốn sử dụng những tính năng hữu ích hơn, nâng cao hơn, chẳng hạn như nghe nhạc không dây từ xa hay ngồi ở phòng khách xem phim với nguồn phát là máy tính ở phòng ngủ... Đó chính là lý do mà các hệ thống lưu trữ mạng NAS ngày càng phổ biến.

Khi mà những nhu cầu căn bản nhất về máy tính như duyệt web, nghe nhạc hay xem phim đã được thỏa mãn, con người lại muốn sử dụng những tính năng hữu ích hơn, nâng cao hơn, chẳng hạn như nghe nhạc không dây từ xa hay ngồi ở phòng khách xem phim với nguồn phát là máy tính ở phòng ngủ... Đó chính là lý do mà các hệ thống lưu trữ mạng NAS ngày càng phổ biến. Tất nhiên đó chỉ là NAS trong gia đình còn NAS doanh nghiệp thì “lợi hại” hơn rất nhiều lần, hy vọng những thông tin dưới đây sẽ giúp các bạn có những kiến thức căn bản nhất về NAS cũng như những tiêu chí kia mua NAS để không bị mua lầm hay không đáp ứng được nhu cầu.

NAS là gì?

NAS là từ viết tắt của Network Attached Storage, dịch tạm tiếng Việt là thiết bị lưu trữ gắn vào mạng. Dịch thì nghe nghĩa của nó rất hẹp nhưng NAS làm được rất nhiều việc và công việc chính là tập trung hóa toàn bộ dữ liệu của người dùng cho dễ quản lý. Chúng ta cần phân biệt rõ NAS và DAS (direct attached storage) nhé, NAS thì không gắn trực tiếp vào máy tính như DAS mà nó sẽ kết nối vào mạng. NAS thường được sử dụng để lưu trữ, chia sẻ file và đặc biệt là streaming các dữ liệu đa phương tiện trong thời gian gần đây. Với các hệ thống NAS thì bạn có đi ra khỏi nhà, văn phòng vẫn truy cập được dữ liệu ở nhà một cách dễ dàng.

Các hệ thống NAS hiện đại cũng có thể hình dung như 1 máy chủ thu nhỏ bởi nó cũng có CPU, cũng có RAM và chạy những phiên bản hệ điều hành nhúng thu gọn (thường là Linux) cũng như có khả năng kết nối mạng qua cổng Ethernet hay thậm chí là kết nối không dây như Wi-Fi. Để lưu trữ dữ liệu thì NAS thường dùng ỗ gắn trong tuy nhiên một số thiết bị còn hỗ trợ kết nối với thiết bị gắn ngoài hay thậm chí là USB nhớ. Thị trường NAS hiện nay khá là đông đúc và bạn có thể lựa chọn bất cứ thứ gì mình thích, những NAS chỉ hỗ trợ ổ lưu trữ gắn ngoài thông qua USB thường nhỏ và rẻ hơn rất nhiều so với các NAS sử dụng ổ cứng gắn trong. Một số NAS nâng cao khác lại hỗ trợ những tính năng như thiết lập máy chủ web, quản trị từ xa hay các thiết lập ổ cứng theo chế độ RAID.

Thị trường NAS hiện nay thường chia làm 3 hạng mục chính. Đầu tiên là các NAS cho khách hàng cá nhân thường chỉ hỗ trợ các cổng USB và gắn ổ cứng chết. Tiếp đến là các NAS nâng cao hơn một chút, chẳng hạn như hỗ trợ các giao tiếp iSCSI cho văn phòng nhỏ và người dùng cao cấp. Cuối cùng, ta có các NAS xịn nhất hỗ trợ các giao thức RAID, Active Directory, Web Server, Firewall,...

Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các tiêu chí khi mua NAS:

Dung lượng NAS:

Dung lượng mà 1 ổ NAS hỗ trợ thường ảnh hưởng rất nhiều đến giá của nó. Các ổ NAS cho khách hàng cá nhân thường ít hỗ trợ ổ SATA gắn trong mà dùng ổ cứng gắn ngoài thông qua cổng USB. Một số NAS loại này có tới 4 cổng USB hỗ trợ các ổ cứng tới dung lượng cả TB. Điều thiếu sót ở các ổ này thường lại không hỗ trợ các phương thức bảo vệ dữ liệu như RAID 1 hay tăng tốc như RAID 0. Ngoài ra, trong khi các hệ thống NAS ổ cứng gắn trong hỗ trợ rất nhiều phương thức quản lý khác nhau và gần như không bị giới hạn dung lượng lưu trữ của 1 ổ cứng (tối đa 3TB/1 ổ hiện tại) thì nhiều NAS gắn ngoài USB bị giới hạn vài trăm GB hay thấp hơn trên 1 cổng. Do vậy mà bạn phải tìm hiểu rõ với nhà sản xuất trước khi mua.

Thông thường các ổ NAS đi kèm sẵn ổ cứng bên trong sẽ rẻ hơn là mua riêng. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp ngược lại và khi này bạn hãy mua loại không ổ (disk less) và tự lắp các ổ rời vào. Việc lắp đặt thường rất đơn giản nhưng bạn hãy lưu ý loại ổ cứng được NAS hỗ trợ nhé. Không phải ổ cứng nào cũng hỗ trợ sử dụng với NAS đâu, danh sách ổ cứng tương thích thường được đặt trên website của nhà sản xuất đó.

Với các ổ cứng doanh nghiệp thì không cần phải nói đến khả năng mở rộng của chúng. Ví dụ ổ QNAP TS-212 chỉ có 1 cổng USB cho mở rộng nhưng lại hỗ trợ iSCSI để tạo các đĩa ảo nhằm nâng cao dung lượng.

NAS không dây hay có dây?

Hầu hết các NAS mới trên thị trường đều hỗ trợ Gigibit Ethernet thay cho mạng 100Mbps chậm chạp trước kia. Một số NAS thậm chí còn hỗ trợ tới 2 cổng Ethernet cho Port Trunking, tính năng này sẽ dự phòng 1 cổng hỏng và ngay lập tức thay bằng cổng kia nhằm bảo đảm khả năng kết nối, ngoài ra nó cũng kết hợp 2 đường Ethernet của NAS nằm tăng tốc độ truyền tải dữ liệu. Bạn có thể kết nối NAS với router hay switch để nối nó với mạng đang sử dụng. Rất nhiều NAS có sẵn DHCP và sẽ tự động nhận địa chỉ IP từ mạng. Nếu muốn quản lý từ xa thì bạn nên gán cho nó một địa chỉ IP tĩnh.

Các thiết NAS hỗ trợ không dây sẵn thì hiếm hơn loại có dây khá nhiều và chúng cũng gặp 1 số vấn đề như độ trễ thường lớn hơn các loại dùng dây. Dù vậy thì ngày càng nhiều NAS được ra mắt với WiFi tích hợp sẵn chuẩn N hoặc các lựa chọn cho phép gắn USB WiFi vào. Bất lợi của việc sử dụng WiFi là tốc độ của nó khá chậm, nhanh như WiFi n mới nhất 450Mbps cũng chưa bằng 1 nửa so với Gigabit Ethernet. Trừ trường hợp bạn muốn stream video qua WiFi hay download/upload liên tục thì không nên bỏ tiền vào các tùy chọn này, hãy dùng chúng nâng cấp ổ cứng hoặc router.

Sức mạnh xử lý:

Cũng giống như máy tính, các thiết bị NAS cũng có bộ nhớ RAM và vi xử lý của riêng mình. Và tất nhiên, bộ xử lý càng nhanh, RAM càng nhiều thì NAS đó có hiệu năng càng cao. Bạn đừng lầm tưởng bộ xử lý cho NAS cũng đòi hỏi phải như máy vi tính nhé, những NAS cao cấp nhất hiện tại sử dụng những chú ATOM 2 nhân như D510 mà thôi. Nếu nhu cầu của bạn càng cao, thực hiện các thao tác hoạt động I/O liên tục thì nên đầu tư vào những bộ NAS dùng chip ATOM, các NAS rẻ hơn thường dùng chip Marvell. Vài NAS cho phép ta nâng cấp RAM nhưng hầu hết đều gắn chết vào mainboard.

Hệ điều hành:

Nếu bạn dùng Windows thì không phải lo lắng nhiều về điều này, hầu hết các hệ thống NAS đều hỗ trợ Windows đầy đủ. Người dùng Mac cũng không phải lo lắng quá nhiều, một số NAS hỗ trợ hệ thống sao lưu định kỳ Time Machine của Mac OSX. Những bạn dùng Linux thì nên sử dụng những bản Linux phổ biến, dù sao thì không phải NAS nào cũng hỗ trợ Linux.

Hệ thống sao lưu và phục hồi của NAS:

NAS chỉ có giá trị chừng nào nó còn lưu giữ được dữ liệu của bạn. Các NAS cao cấp thường có những tùy chọn thiết lập RAID hay các hệ thống cảnh báo hỏng hóc ổ cứng và những vấn đề nghiêm trọng.

Việc phục hồi dữ liệu trong những trường hợp xảy ra hỏng hóc cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Những NAS cho doanh nghiệp thường hỗ trợ tính năng trao đổi đĩa cứng nóng (hot-swap), cho phép thay đổi đĩa cứng mà không phải ngắt nguồn hay ảnh hưởng đến hiệu năng hoạt động của ổ. Một số NAS còn hỗ trợ sao lưu dữ liệu trong ổ cứng lên máy chủ đám mây, một giải pháp cực kỳ an toàn khi dữ liệu của bạn được lưu trữ ở 2 khu vực hoàn toàn tách biệt. Nhà sản xuất thường dùng thuật ngữ hybrid cho giải pháp này và nó được áp dụng với những dữ liệu cực kỳ quan trọng. Nếu không dùng mày chủ của nhà sản xuất thì các NAS cho khách hàng cá nhân cũng có thể hỗ trợ các dịch vụ sao lưu đám mây khác.

Không chỉ dữ liệu mà cấu hình của NAS cũng cần được lưu lại, có lẽ bạn không muốn cứ phải thiết lập đi thiết lập lại mỗi NAS riêng lẻ trong hệ thống của mình đâu phải không? Một số NAS còn cho phép người dùng cắm ổ cứng vào cổng USB rồi sao lưu ra đó.

Tiếng ồn:

Có nhiều hệ thống NAS rất ồn ào, cực kỳ ồn ào khi mà 4 ổ cứng quay cùng lúc, quạt tản nhiệt cũng chạy vù vù. Do vậy, bạn nên thử nghiệm trước khi mua NAS vì có thể bị khó chịu với nó đấy. Tiếng ồn không phải là một vấn đề lớn ở các doanh nghiệp có khu vực để máy chủ riêng nhưng hẳn sẽ gây khó chịu cho khách hàng cá nhân.



Mức tiêu thụ điện: NAS được tạo ra để tiết kiệm điện so với những hệ thống máy chủ mạng. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý các giải pháp mà nhà sản xuất cung cấp có đầy đủ không, có NAS cho phép quản lý quạt, điện năng tiêu thụ hay chỉ chạy quạt khi nhiệt độ đạt đến ngưỡng nào đó. Các NAS doanh nghiệp thậm chí còn có thể kiểm soát cả dòng điện của CPU...

Điều khiển từ xa:

Càng ngày càng có nhiều NAS hỗ trợ quản lý từ xa, chẳng hạn như các dịch vụ trên nền đám mây hay quản lý thông qua giao diện web. Tích hợp vói các dịch vụ nền đám mây là một tính năng rất quan trọng nếu bạn muốn chia sẻ dễ liệu dễ dàng hơn với bạn bè và người thân.

Phần mềm và dịch vụ NAS:

Mặc dù các phần mềm đi kèm NAS chủ yếu tập trung vào việc streaming file đa phương tiện và sao lưu hệ thống nhưng có một số nhà sản xuất khá nhanh nhạy khi hỗ trợ máy chủ FTP, tải BitTorrent, máy chủ iTunes hay thậm chí là Telnet. Một số khác cao cấp hơn còn có cả MySQL, Web quản lý camera IP.

Bảo mật cho NAS:

Bảo mật luôn là một vấn đề cần cân nhắc, dù cho bạn dùng NAS ở nhà hay công ty. Bạn nên chọn NAS nào hỗ trợ mã hóa file hay thậm chí là bảo vệ bằng tường lửa. Các NAS doanh nghệp cũng hỗ trợ các phương thức bảo vệ vật lý khác như lỗ khóa Kensingto hay K-Slots.

QV tổng hợp