Thực hiện đúng chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm là đảm bảo quyền lợi người lao động

25/05/2020 01:48 AM


Hiện nay, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là các nghề, công việc có điều kiện lao động loại IV; nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là các nghề, công việc có điều kiện lao động loại V và loại VI trong Danh mục nghề, công việc theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội

Hiện nay, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là các nghề, công việc có điều kiện lao động loại IV; nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là các nghề, công việc có điều kiện lao động loại V và loại VI trong Danh mục nghề, công việc theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐTBXH). Việc xác định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (gọi tắt là NNĐHNH) nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo các điều kiện làm việc, tránh tai nạn, rủi ro; thực hiện các chế độ, quyền lợi cho người lao động.

Nghề, công việc NNĐHNH được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc. Điều kiện lao động bao gồm các yếu tố về tự nhiên, xã hội, kinh tế, kỹ thuật, tổ chức thể hiện qua quy trình công nghệ, công cụ lao động, đối tượng lao động, môi trường lao động, con người lao động và sự tác động qua lại giữa các yếu tố, tạo nên điều kiện làm việc của con người trong quá trình lao động sản xuất. Sự tác động qua lại này có ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng con người, trong đó có những yếu tố tác động rất khắc nghiệt, độc hại, nguy hiểm như công việc khai thác than trong hầm lò, vận hành máy khoan trong hầm lò, khai thác mỏ quặng và luyện kim…trong ngành khai khoáng, luyện kim; khai thác, chế biến mủ cao su trong ngành nông lâm nghiệp; hàng ngàn công việc trong các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thương mại như hóa chất, xây dựng, giao thông, vận tải, y tế, thể dục - thể thao, địa chất, hàng không, thủy sản, khoa học – công nghệ, dầu khí, vệ sinh môi trường, du lịch, khí tượng thủy văn…đã được liệt kê trong Danh mục nghề, công việc NNĐHNH do Bộ LĐTBXH ban hành.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều văn bản của Bộ LĐTBXH đã ban hành quy định tạm thời danh mục nghề, công việc NNĐHNH, như: Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995; Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996; Quyết định số 1085/LĐTBXH-QĐ ngày 06/9/1996; Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996; Quyết định số 44/LĐTBXH-QĐ ngày 29/01/1997; Quyết định số 190/QĐ-BLĐTBXH ngày 03/3/1999; Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/12/2000; Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003; Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012; Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 và Thông tư số 20/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016…Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) các địa phương đã đăng tải toàn bộ các văn bản này trên Trang thông tin điện tử của BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, về mặt pháp lý hầu hết các nghề, công việc NNĐHNH đã có quy định, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất vật chất có trách nhiệm thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động. Người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH theo quy định của pháp luật. Đối với người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH, ngoài việc được đảm bảo an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm trang bị các phương tiện, dụng cụ bảo vệ cá nhân cho người lao động trong quá trình làm việc; thực hiện chế độ chăm sóc sức khỏe định kỳ; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ về tiền lương, tiền công, bồi dưỡng bằng hiện vật…cho người lao động.

Xét ở góc độ chính sách BHXH, người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH tham gia BHXH bắt buộc có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn khi đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH. Theo đó, người lao động đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có 15 năm làm nghề, công việc NNĐHNH được nghỉ hưu khi tuổi đời từ đủ 50 tuổi đến 55 tuổi đối với lao động nữ và từ đủ 55 tuổi đến 60 tuổi đối với lao động nam (làm việc trong điều kiện bình thường, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu - Điều 54 Luật BHXH năm 2014); trường hợp đã đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có 15 năm làm nghề, công việc đặc biệt NNĐHNH và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu mà không cần điều kiện về tuổi đời.

Người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH khi bị ốm đau, số ngày nghỉ ốm đau được hưởng chế độ BHXH trong một năm cao hơn người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, cụ thể: làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng chế độ BHXH tối đa 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm, 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 30 năm, 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên; làm nghề, công việc NNĐHNH thì được hưởng chế độ BHXH tối đa 40 ngày nếu dã đóng BHXH dưới 15 năm, 50 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm, 70 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên (Điều 26 Luật BHXH năm 2014).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn một số người lao động làm việc trong ngành, nghề có điều kiện lao động NNĐHNH, nhất là ngành cao su, cà phê, sổ BHXH thể hiện không đầy đủ, không chính xác nghề, công việc NNĐHNH đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi khi đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH. Mặc dù cơ quan BHXH đã có cả một Kế hoạch dài hạn đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện rà soát, điều chỉnh nội dung ghi sổ BHXH của người lao động (cơ quan BHXH in và chuyển thông tin trên sổ BHXH của từng người lao động theo mẫu đến tận doanh nghiệp để thực hiện rà soát thông tin ghi sổ BHXH của từng người lao động), nhưng việc rà soát, điều chỉnh thông tin chưa đầy đủ, chưa chính xác, có trường hợp không kiểm tra, rà soát mà chỉ ký vào mẫu và chuyển lại cơ quan BHXH, dẫn đến một số trường hợp chỉ ghi chức danh nghề là "công nhân", nên cơ quan BHXH không xác định được nghề, công việc NNĐHNH. Như vậy, đối với các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi (khá phổ biến đối với người lao động trực tiếp) do suy giảm khả năng lao động sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ % (phần trăm) tính hưởng lương hưu, bởi mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu. Nếu ghi đúng chức danh nghề, công việc NNĐHNH, mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi là 55 tuổi đối với lao động nam và 50 tuổi đối với lao động nữ; nếu ghi không đúng chức danh nghề, công việc NNĐNH, thì được xem là làm việc trong điều kiện bình thường và mốc tuổi để tính số năm về hưu trước tuổi là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, đồng nghĩa số năm nghỉ hưu trước tuổi có thể tăng thêm đến 05 tuổi, tương ứng tỷ lệ % giảm trừ tăng thêm đến 10% - một tỷ lệ giảm trừ khá lớn! dẫn đến lương hưu sẽ thấp tương ứng.

Để đảm bảo quyền lợi về BHXH của người lao động làm nghề, công việc NNĐHNH, trước hết thuộc về trách nhiệm của người sử dụng lao động, trong hợp đồng lao động và khi đăng ký tham gia BHXH cho người lao động phải ghi đầy đủ và đúng chức danh nghề, công việc NNĐHNH; cơ quan BHXH thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quan tâm đến việc kiểm tra, rà soát chức danh nghề, công việc cho người lao động; bản thân người lao động trực tiếp giữ sổ BHXH cũng cần kiểm tra chức danh nghề, công việc đã ghi sổ BHXH, nếu chưa đúng, chưa đủ thì đề nghị đơn vị, doanh nghiệp nơi làm việc lập thủ tục đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh nội dung ghi sổ BHXH đúng với chức danh nghề, công việc mà mình đang làm, để khi phát sinh hưởng chế độ BHXH, quyền lợi sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật./.

Lê Hoàng