Ứng dụng CNTT- Dấu ấn trong thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP
09/11/2021 01:41 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Những năm gần đây, ngành BHXH Việt Nam tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và thực hiện các mặt hoạt động nghiệp vụ, nên đã mang lại hiệu quả rất cao. Đặc biệt, thông qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19, đã cho thấy rõ dấu ấn của Ngành trong việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.
Hiệu quả thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP
Chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ theo Nghị quyết 116/NQ-CP thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; góp phần hỗ trợ NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
BHXH các địa phương tiếp nhận và xử lý hồ sơ điện tử
Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách, ngay trong ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, BHXH Việt Nam đã lập tức triển khai việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp trong toàn Ngành. Cụ thể: Ban hành Công văn số 3068/BHXH-CSXH ngày 1/10/2021 về việc triển khai thực hiện Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo của BHXH Việt Nam trong việc triển khai thực hiện chính sách, hướng dẫn quy trình thực hiện, thời hạn và trách nhiệm của từng bộ phận nghiệp vụ thuộc cơ quan BHXH từ khâu rà soát, gửi danh sách cho đơn vị SDLĐ cho đến khâu chi trả hỗ trợ cho NLĐ, cũng như quy trình thực hiện giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho các đơn vị. Theo đó, BHXH Việt Nam đã rút ngắn thời hạn thực hiện xuống 1/2 so với quy định của Quyết định 28/2021/QĐ-TTg (giảm còn 5 ngày làm việc đối với trường hợp có thông tin đúng, đủ và còn 10 ngày làm việc đối với trường hợp có điều chỉnh thông tin hưởng hỗ trợ).
Đồng thời, ban hành Quyết định số 968/QĐ-BHXH ngày 1/10/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg; Công văn số 3079/BHXH-BCĐ ngày 1/10/2021 về việc phân công nhiệm vụ thành viên, trong đó phân công cụ thể đến từng thành viên Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng quy trình thực hiện; theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chính sách; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện; và xây dựng kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo theo đó định kỳ hàng tháng kiểm tra, tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện tại các địa phương và khi có các phát sinh vướng mắc cần tháo gỡ.
Ngay trong ngày 1/10/2021, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai đến BHXH cấp huyện để phổ biến chính sách, hướng dẫn nghiệp vụ và quán triệt tinh thần thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo nhanh chóng, chính xác và thuận tiện cho NLĐ cũng như chủ SDLĐ.
Việc giải quyết chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116 được triển khai rất nhanh
Toàn ngành đã đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa nhân văn của chính sách về chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, tập trung nhấn mạnh quyền lợi của NLĐ và chủ SDLĐ, các thủ tục để thụ hưởng chính sách cũng như trách nhiệm của NLĐ và chủ SDLĐ trong việc cung cấp thông tin và lập danh sách đề nghị hưởng hỗ trợ cho NLĐ, trách nhiệm và thời hạn thực hiện của cơ quan BHXH các cấp.
Kết quả, trên cơ sở ứng dụng nền tảng CNTT trong việc quản lý các đơn vị chủ SDLĐ tham gia BH thất nghiệp, cơ quan BHXH nhanh chóng xác định được số đơn vị giảm đóng, số tiền được giảm đóng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 1/10/2021. Đến ngày 6/10/2021, BHXH Việt Nam đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363,6 nghìn đơn vị, tương ứng 9,68 triệu NLĐ và số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Chỉ tính đến ngày 25/10/2021- sau 5 ngày triển khai Nghị quyết 116, trên CSDL của Ngành, BHXH các tỉnh, thành phố đã hoàn thành rà soát và gửi danh sách NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ đến gần 350 nghìn đơn vị (đạt 99% số đơn vị thuộc diện rà soát)- tương ứng hơn 10,25 triệu NLĐ (đạt 99% số NLĐ đang tham gia thuộc diện hưởng hỗ trợ). Đồng thời, đã tiếp nhận đề nghị hưởng hỗ trợ từ 7,37 triệu NLĐ, trong đó gồm hơn 800.000 NLĐ đã dừng tham gia BH thất nghiệp và hơn 6,57 triệu NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp tại 229.000 đơn vị SDLĐ (bằng 65,45% tổng số đơn vị và 64,08% số NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp đã nhận danh sách theo Mẫu số 01 do cơ quan BHXH gửi).
Tính đến ngày 5/11, BHXH các tỉnh, thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho 9,67 triệu NLĐ với tổng số tiền hơn 23,03 nghìn tỷ đồng. 10 tỉnh có số NLĐ được giải quyết hưởng hỗ trợ cao nhất là: TP.HCM (1,8 triệu NLĐ), Hà Nội (1,29 triệu NLĐ), Đồng Nai (704.134 NLĐ), Bình Dương (596.542 NLĐ), Hải Phòng (321.549 NLĐ), Hải Dương (315.900 NLĐ), Bắc Ninh (312.435 NLĐ), Thanh Hóa (234.746 NLĐ), Bắc Giang (219.947 NLĐ). Mặc dù việc triển khai hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp gấp rút, khối lượng công việc lớn và trong thời gian ngắn, song CBVC trong toàn Ngành đã rất nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo, không quản ngày đêm với quyết tâm đảm bảo tiến độ đã đề ra. Theo dự kiến, đến hết ngày 15/11/2021, ngành BHXH Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành xong việc hỗ trợ đối với NLĐ...
Thành công nhờ nguồn CSDL lớn
Việc thực hiện hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP tuy vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhưng đầy đều là những khó khăn, vướng mắc do khách quan, như: Việc xác định đơn vị thuộc đối tượng áp dụng giảm đóng liên quan đến một số đơn vị sự nghiệp công lập; tại một số đơn vị có số NLĐ lớn cần phải có thời gian kiểm tra, đối chiếu thông tin; một bộ phận NLĐ đã dừng tham gia BH thất nghiệp di chuyển về các địa phương sau đợt dịch thứ tư, thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ nhưng chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin về chính sách, chưa hiểu hết quy định của chính sách, về quyền lợi của bản thân để chủ động liên hệ với cơ quan BHXH địa phương. Những khó khăn, vướng mắc này đang được BHXH Việt Nam kiến nghị Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH xem xét, giải quyết kịp thời.
Nhờ nguồn CSDL của ngành BHXH Việt Nam, nhiều NLĐ đã nhận được hỗ trợ kịp thời
Điểm đáng chú ý trong thực hiện Nghị quyết 116 phải nói tới, đó chính là nguồn CSDL lớn của Ngành đã phát huy tác dụng, giúp BHXH các địa phương sớm hoàn tất việc lập danh sách NLĐ thuộc diện được hỗ trợ. Trên cơ sở đó, giúp các đơn vị SDLĐ cũng dễ dàng, nhanh chóng rà soát lại thông tin của mình hoặc bổ sung thêm thông tin (số điện thoại, số tài khoản ATM) để cơ quan BHXH chuyển tiền hỗ trợ nhanh chóng.
Một trong những “điểm cộng” giúp ngành BHXH Việt Nam thực hiện khá hiệu quả chính sách này, đó là sự ra đời ứng dụng VssID đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức cho CBVC trong Ngành, cũng như tận dụng được triệt để lợi thế CSDL của Ngành. Theo đó, NLĐ đăng ký cài đặt ứng dụng VssID và có thể ngồi ngay tại nhà để đăng nhập thông tin cá nhân và số tài khoản thụ hưởng, sau đó bấm gửi là có thể nộp hồ sơ qua dịch vụ công một cách hết sức dễ dàng, thuận tiện. Đối với cán bộ BHXH, việc tiếp nhận hồ sơ điện tử từ NLĐ và DN sẽ nhanh chóng hơn nhiều so với hồ sơ giấy, do giảm bớt được các khâu tiếp nhận, số hóa, in phiếu chuyển trả hồ sơ giấy…
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống CNTT của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử và hướng tới Chính phủ số, nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn. “Đến nay, toàn Ngành đang có gần 30 hệ thống ứng dụng; quản lý CSDL của gần 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; với hơn 20 nghìn tài khoản CBVC và NLĐ trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ; kết nối liên thông với trên 12.000 cơ sở KCB và hơn 500 nghìn tổ chức, DN trên toàn quốc…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thông tin.
Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, với việc đưa ứng dụng VssID đi vào hoạt động, đến nay sau một năm đã có hơn 23 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được đăng ký và phê duyệt. Cùng với đó, theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, CSDL quốc gia về BH là một trong 6 CSDL quốc gia quan trọng, được Chính phủ ưu tiên triển khai và BHXH Việt Nam được giao là đơn vị chủ quản của CSLD quốc gia về BH… Đây chính là cơ sở quan trọng để toàn Ngành vững tin áp dụng hiệu quả trong việc giải quyết chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP, qua đó được cộng đồng DN và NLĐ đánh giá rất cao.
Theo Quang Vượng (Tapchibaohiemxahoi.gov,vn)
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024