Từ 1-7, VNeID là tài khoản duy nhất khi làm thủ tục hành chính

13/06/2024 08:09 AM


Ngày 10-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế.

Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại hội nghị, báo cáo công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, giá trị TMĐT của Việt Nam là 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng TMĐT nhanh nhất Đông Nam Á.

Việc chia sẻ dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân, đến 3-6-2024 đã đạt 97,57%. Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương đã chia sẻ dữ liệu về 929 sàn giao dịch TMĐT, tương ứng 847 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (1 doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều sàn) và 284 ứng dụng bán hàng trên mạng.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn TMĐT trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý một số trường hợp trốn thuế. Cùng với đó, định danh và xác thực điện tử, đồng bộ liên thông dữ liệu thông tin hàng hóa; áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, vì thanh toán không dùng tiền mặt càng nhiều thì quản lý và thu thuế càng cao. Bộ cũng tham gia sửa đổi các quy định về giữ bí mật và cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, sẽ quản lý hoạt động TMĐT qua mạng xã hội để thu thuế, vì “hiện nay người livestream, bán hàng qua mạng xã hội rất nhiều. Chúng ta phát triển mạng xã hội cùng với việc đối chiếu với ngân hàng thì sẽ thu được nguồn thuế rất lớn”.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cảnh báo, thời gian qua, đã có một số hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp xảy ra sự cố mất an toàn thông tin mạng và có xu hướng gia tăng, tính chất phức tạp, vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, Bộ TT-TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nghiêm túc triển khai bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức độ cao nhất theo quy định.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, đến nay, hệ thống thanh toán liên ngân hàng đã xử lý bình quân hơn 830.000 tỷ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20-25 triệu giao dịch/ngày. Hiện có hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tuy nhiên, khó khăn là thông tin, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm, đòi hỏi việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vì vậy, thời gian tới, NHNN đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuẩn hóa về dữ liệu, quy định phương thức kết nối, chia sẻ thông tin của các tổ chức tín dụng cung cấp để đảm bảo đáp ứng việc kết nối, chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số gồm thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, doanh nghiệp số. Song song đó là tìm ra các công thức thành công để nhân rộng.

“Đề án 06 của Bộ Công an là một bước đột phá, do trực tiếp Bộ trưởng chỉ đạo, có tác động rất lớn đến chuyển đổi số của quốc gia. Những đột phá này tác động sâu rộng từ Trung ương đến địa phương, toàn dân”, Bộ trưởng Bộ TT-TT nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ các "điểm nghẽn" đối với Đề án 06 và thực hiện Chỉ thị số 18 để thúc đẩy phát triển TMĐT, chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác triển khai Đề án 06 và kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian tới vẫn đối diện một số tồn tại, hạn chế. Trong đó có kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, tương thích. Vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm an toàn thông tin, lộ lọt dữ liệu công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát.

Thủ tướng chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, bao gồm khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, tích cực, sáng tạo theo thẩm quyền, không trông chờ, ỷ lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP. Thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan khai thác dữ liệu công dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để từ ngày 1-7-2024 chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.

Theo Phan Thảo (sggp.org.vn)