Sáng mãi truyền thống những “Chiến sĩ tóc dài”

23/12/2011 07:36 AM


Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, bên cạnh lực lượng đông đảo tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, địch vận, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, hàng ngàn phụ nữ đã dũng cảm lên đường nhập ngũ vào các đơn vị của bộ đội Quân khu 5 và lực lượng vũ trang Gia Lai.

 Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, bên cạnh lực lượng đông đảo tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, địch vận, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, hàng ngàn phụ nữ đã dũng cảm lên đường nhập ngũ vào các đơn vị của bộ đội Quân khu 5 và lực lượng vũ trang Gia Lai.

Có mặt ở đủ mọi vị trí trên chiến trường, từ nuôi quân, cứu thương, y tá đến thông tin, trinh sát và trực tiếp cầm súng chiến đấu, những “Chiến sĩ tóc dài” này luôn phải đối mặt với những khó khăn, gian khổ, thậm chí mất mát, hy sinh. Thế nhưng những hậu duệ của Bà Trưng, Bà Triệu không chỉ đứng vững trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù mà còn xuất sắc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nhiều người trong số họ còn trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù và là niềm tự hào phụ nữ Gia Lai nói chung và lực lượng vũ trang Gia Lai nói riêng như: Rơ Chăm H’Yéo- Huyện đội phó Chư Pah, Rah Lan H’Lam- Huyện đội trưởng Chư Prông, Rơ Mah Khải, Đinh Thị Sép… và đặc biệt là Anh hùng Kpă Ó.

Bà Rơ Chăm H’Yéo (thứ hai từ trái qua) trong một hội nghị của phụ nữ tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Bà Rơ Chăm H’Yéo (thứ hai từ trái qua) trong một hội nghị của phụ nữ tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cái tên Kpă Ó đã trở thành nỗi ám ảnh của những đoàn xe địch trên đường 19. Sinh ra trên mảnh đất Ia Phìn, một trong những địa bàn ác liệt nhất của huyện Chư Prông trong kháng chiến chống Mỹ, từ nhỏ, Kpă Ó đã phải chứng kiến cảnh dân làng và những người thân bị kẻ thù bắn giết dã man. Căm thù giặc sâu sắc, năm 16 tuổi, Kpă Ó tình nguyện xung phong vào du kích xã. Với sự dũng cảm và mưu trí trong cách đánh địch, từ Tiểu đội trưởng du kích, Kpă Ó nhanh chóng được tín nhiệm cử làm Trung đội trưởng du kích xã Ia Phìn.

Cùng với đồng đội, chị đã chỉ huy và tham gia hàng trăm trận đánh giao thông, gài mìn tiêu diệt nhiều xe tăng, xe cơ giới và sinh lực địch. Trong đó, riêng Kpă Ó đã diệt một xe tăng, bắn rơi một máy bay trực thăng và diệt 8 tên địch. Với những chiến công vang dội đó, Kpă Ó đã 2 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, 1 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”, 2 lần được tặng Huân chương Chiến công… Năm 1973, chị vinh dự có mặt trong hàng ngũ những chiến sĩ miền Nam ra Hà Nội dự Đại hội chiến sĩ thi đua. Và đến năm 1978, ghi nhận chiến công xuất sắc của chị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Kpă Ó danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trở về với cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến cả tuổi xuân cho Tổ quốc, nhiều nữ quân nhân đã phải mang trên mình những thương tật vĩnh viễn do bom đạn và những di chứng chất độc da cam/dioxin của kẻ thù. Nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên đau ốm, con cái bị tật nguyền… Theo con số của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh còn 916 cựu nữ quân nhân, trong đó 269 chị là thương, bệnh binh, 38 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như chị Phạm Thị Nhàn (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, cả hai vợ chồng, hai người con đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin), chị Rơ Chăm Cheng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah bị tai biến không đi lại được), chị Nguyễn Thị Thu (xã Chư Hdrông, TP. Pleiku chưa có nhà ở)…

Thế nhưng, vượt qua những đau thương, mất mát ấy, những cựu nữ quân nhân trên mảnh đất Gia Lai vẫn tiếp tục nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong công việc và đời sống hàng ngày. Nhiều người trong số họ, đặc biệt là bà Rơ Chăm H’Yéo- nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh còn có đóng góp rất lớn vào công tác xã hội của địa phương. Ở cương vị chức trách nào, bà cũng đều hăng hái, nhiệt tình, cống hiến hết sức mình. Trong thời điểm các năm 2001 và 2004, khi tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, bằng khả năng dân vận khéo léo của mình, bà đã góp phần giúp nhiều đối tượng lầm đường lạc lối nhận ra sai trái của mình, nhận ra bộ mặt thật phản động của cái gọi là “Tin lành Đê-ga”, “Nhà nước Đê-ga” để quay về làm ăn, ổn định cuộc sống. Qua đó, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến và dần đi vào ổn định như hiện nay.

Có thể nói, những đóng góp to lớn của mình trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay của những cựu nữ quân nhân Gia Lai đã trở thành niềm tự hào không chỉ của lực lượng vũ trang tỉnh mà còn của tất cả phụ nữ các dân tộc Gia Lai. Bên cạnh đó, nó còn góp phần làm giàu thêm truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Theo Báo Gia Lai