Gia Lai: Người tiêu dùng đồng hành cùng hàng Việt

05/12/2011 07:39 AM


Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ chính trị phát động, thời gian qua, phong trào người Việt dùng hàng Việt tại Gia Lai đã và đang ngày càng lớn mạnh, hiệu quả. Hàng Việt ngày càng chiếm lĩnh thị trường và chinh phục sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ chính trị phát động, thời gian qua, phong trào người Việt dùng hàng Việt tại Gia Lai đã và đang ngày càng lớn mạnh, hiệu quả. Hàng Việt ngày càng chiếm lĩnh thị trường và chinh phục sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Tự hào hàng Việt

Là một trong những đơn vị cung cấp hàng hóa hàng đầu tại thị trường Gia Lai, Co.op Mart Pleiku luôn có những chương trình ủng hộ hàng Việt. Xuyên suốt năm, Co.op Mart Pleiku luôn tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con. Trong năm 2011, Co.op Mart Pleiku dự kiến sẽ tổ chức 21 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, trong đó tập trung mạnh vào các tháng cuối năm (từ tháng 11-2011 trung bình mỗi tuần một chuyến, được tổ chức vào các ngày thứ 7, chủ nhật). Theo ông Bùi Quốc Bình- Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku, những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn này đơn vị không thể có lãi, bởi chi phí vận chuyển đi lại, nhân công… rất tốn kém.

 
Khách hàng ngày càng bị chinh phục bởi hàng Việt. Ảnh: Lê Hòa
Khách hàng ngày càng bị chinh phục bởi hàng Việt. Ảnh: Lê Hòa
Tuy nhiên, Co.op Mart Pleiku vẫn cố gắng duy trì và thực hiện với mong muốn góp phần thúc đẩy phong trào người Việt dùng hàng Việt trong bà con vùng sâu, vùng xa. Để hạn chế những chi phí trong quá trình tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về vùng sâu, Co.op Mart Pleiku đã vận động lực lượng đoàn viên thanh niên trong chi đoàn trên tinh thần tình nguyện, phục vụ bà con vùng khó khăn cũng như hưởng ứng cuộc vận động.


Cao điểm của phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” là tháng “Tự hào hàng Việt”, được tổ chức vào tháng 9 với chương trình khuyến mại giảm giá đến 50% các mặt hàng hàng Việt tại Co.op Mart Pleiku. Chương trình đã thu hút một lượng khá lớn khách hàng tham dự và mua sắm.

Theo thống kê của Sở Công thương, từ khi phát động phong trào đến nay, một số doanh nghiệp như điển hình như: Siêu thị Co.op Mart Pleiku, siêu thị Vinatext, siêu thị Phố Núi và các doanh nghiệp khác đã tổ chức độc lập hơn 200 lượt đưa hàng Việt về nông thôn. Một số đơn vị còn kết hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức “Đưa hàng Việt về nông thôn” bằng hình thức tổ chức các quầy bán hàng lưu động tại các địa phương như: Ia Grai, Mang Yang, Đak Đoa, Chư sê, Kbang… với 32 quầy hàng phục vụ bà con. Đặc biệt, Công ty Cổ phần thương mại Gia Lai có 40 chiếc xe tải nhẹ luân phiên đưa những chuyến hàng đến vùng nông thôn có gắn băng rôn ghi dòng chữ Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đưa hàng Việt về nông thôn… doanh thu bán hàng khoảng 140 tỷ đồng/năm.

Song song với sự hưởng ứng từ phía các đơn vị, doanh nghiệp, Sở Công thương tỉnh cũng tăng cường công tác vận động các doanh nghiệp tăng tỷ lệ hàng nội địa trong hệ thống các mặt hàng bán buôn, bán lẻ của đơn vị. Theo đánh giá, tỷ lệ hàng tiêu dùng nội địa của các doanh nghiệp đạt trên 95%.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam!

Có thể nói, cùng với sự tuyên truyền, vận động của ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí và sự chung tay từ phía các doanh nghiệp, người tiêu dùng, hàng Việt trên thị trường nội địa đang ngày càng lớn mạnh và chiếm được lòng tin, sự lựa chọn của người tiêu dùng. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi thời vừa qua, những thông tin cảnh báo về các nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe cho người sử dụng khi dùng các mặt hàng Trung Quốc hay hàng ngoại “dởm”, kém chất lượng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến người tiêu dùng e dè và cảnh giác khi sử dụng hay chọn mua các loại hàng hoá này.

 
Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa
Thị trường hàng hóa tại Gia Lai được đánh giá là khá phức tạp, rất khó khăn trong công tác quản lý bởi có sự thâm nhập của nhiều nguồn hàng hóa, hơn nữa, trình độ nhận thức cũng như khả năng tự lựa chọn của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế-nhất là thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng có đông bà con người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.


Đây là mảnh đất màu mỡ cho các mặt hàng “dởm”, kém chất lượng tấn công, đồng thời cũng chúng là khu vực hàng Việt ít nhiều còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”, người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa đã biết đến nhiều hơn các mặt hàng hàng Việt, góp phần không nhỏ tạo nên sự lớn mạnh của phong trào trong thời gian qua.

Theo chị Đặng Thị Yến Nhi (Diên Hồng-Pleiku-Gia Lai), thì: “Thông thường trước đây tôi quan tâm nhiều đến giá cả và tính hữu dụng của hàng hoá, ít chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhưng sau khi nghe báo đài nói về sự nguy hại tiềm ẩn của các mặt hàng Trung Quốc, tôi đã dè chừng hơn. Tốt nhất là nên chọn hàng Việt Nam vì giá thành cạnh tranh, lại an toàn”.

Đồng quan điểm như chị Mai, anh Hải- hiện đang công tác tại một cơ quan Nhà nước cũng khẳng định: Mua hàng ngoại, nếu là hàng ngoại “xịn” thì giá thành rất cao, còn là hàng ngoại “dởm” thì chưa biết chất lượng thế nào, hơn nữa có thể còn phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn khác… Vậy nên, dùng hàng Việt cho ăn chắc, vừa an toàn, giá cả lại phải chăng, hơn nữa dùng hàng Việt chính là sự thể hiện lòng yêu nước.
Từ phía nhà cung cấp, các cửa hàng cũng dành sự ưu tiên lựa chọn hàng Việt, bởi nhu cầu người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt ngày càng tăng đã khiến họ phải mạnh tay đáp ứng và thay đổi theo hướng chú trọng ưu tiên cung cấp hàng Việt.

Anh Bùi Việt Anh- chủ cửa hàng Hồng Nhung (TP Pleiku), cho biết: “Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng đều là các sản phẩm do Việt Nam sản xuất. Các sản phẩm tiêu dùng ngoại “xịn”, có uy tín thường chỉ đáp ứng cho một lượng rất nhỏ khách hàng có mức thu nhập cao nên cửa hàng nhập về rất hạn chế. Ngược lại là hàng ngoại “dởm”, nếu là của Trung Quốc sản xuất thông thường rất khó bán, trừ khi là hàng đặc biệt, chưa có hàng Việt Nam. Riêng mặt hàng sữa thì hàng ngoại vẫn hút khách”.
 

Các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cũng đã thu được những kết quả khá tốt. 15 lượt đưa hàng Việt về nông thôn với quy mô 70 gian hàng tại các huyện Ia Pa, Chư Pah, Đức Cơ, Ia Grai… thuộc chương trình này vừa được tổ chức đã thu hút khoảng 20 ngàn lượt người đến tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt 2,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Nuôi- Phó Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Gia Lai, khẳng định: “Phong trào người Việt dùng hàng Việt trong thời gian qua đã tạo ra nhiều bước chuyển tích cực trên thị trường tỉnh nhà, đặc biệt là ở thị trường vùng sâu, vùng xa. Người tiêu dùng Gia Lai đã quan tâm, lựa chọn nhiều hơn các mặt hàng hàng Việt. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước mà còn là tín hiệu vui cho thấy người tiêu dùng Gia Lai cũng như người tiêu dùng các vùng khác luôn dành sự quan tâm, ưu ái rất lớn cho các mặt hàng “Made in Việt Nam”.
 

Theo Báo Gia Lai