Gia Lai: Vốn huy động xây dựng nông thôn mới

01/12/2011 01:47 PM


Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương triển khai. Số xã hoàn thành quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, kế hoạch thực hiện cấp huyện tăng lên đáng kể.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới đang được các địa phương triển khai. Số xã hoàn thành quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, kế hoạch thực hiện cấp huyện tăng lên đáng kể.

Đến thời điểm này, Sở Xây dựng đã đóng góp ý kiến cho 186 đồ án quy hoạch của 186 xã. Chính quyền 17 huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành phê duyệt 96 đồ án quy hoạch, 73 đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã; 5 huyện, thị xã là An Khê, Ayun Pa, Chư Pưh, Kbang, Chư Sê đã phê duyệt xong kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới ở cấp mình.

 
Một góc xã Ia Drăng, huyện Chư Prông. Ảnh: Nguyễn Giác
Một góc xã Ia Drăng, huyện Chư Prông. Ảnh: Nguyễn Giác
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh- ông Nguyễn Quốc Minh cho rằng: Cùng với số lượng đồ án quy hoạch, đề án cấp xã, kế hoạch cấp huyện được phê duyệt, hiện tại có 51 xã đang chỉnh sửa đồ án quy hoạch, 89 xã xây dựng xong đề án đang trình thẩm định và 8 địa phương lập xong kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp mình đang trong giai đoạn phê duyệt. Số xã, huyện chưa hoàn thành phần việc trên đang được đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành phê duyệt đề án cấp xã, kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp huyện, thị xã, thành phố trong tháng 11 này.


Nhiệm vụ sau đây sẽ là xây dựng kế hoạch đầu tư các tiêu chí chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tại, cơ quan chuyên môn chưa thể đưa ra chính xác nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới năm 2012 và những năm tiếp theo, song căn cứ kết quả rà soát thì có 42/186 xã có từ 5 đến 10 tiêu chí, 143 xã còn lại có từ 1 đến 4 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, vốn đầu tư các tiêu chí chưa đạt chuẩn nông thôn mới là rất lớn. Vốn lớn nhưng cơ cấu vốn thiết lập dựa vào vốn vay tín dụng 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20%, nhân dân đóng góp 10%, ngân sách đầu tư 40% (trong đó đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 17%, còn lại từ các dự án hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình mục tiêu quốc gia khác…) là bài toán khó cho địa phương trong việc huy động đủ nguồn vốn để thực hiện chương trình.
       
Ảnh: Bích Hà
Ảnh: Bích Hà

Để khắc phục khó khăn, nhiều địa phương đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị với Trung ương xem xét điều chỉnh lại cơ cấu vốn cho phù hợp với đặc thù Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng để giảm gánh nặng của nhân dân. Theo đó, nguồn vốn ngân sách tăng lên khoảng 60%, trong đó vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chiếm 30%. Nguồn vốn tín dụng chiếm khoảng 20%; vốn hỗ trợ doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác đứng chân trên địa bàn 15% và vốn nhân dân đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện 5%. Cùng với giải pháp trên, tỉnh, các địa phương sớm tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp kêu gọi hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới.
 

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, việc kêu gọi hỗ trợ nên dựa vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp khai thác vùng nguyên liệu thì tập trung đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, làm đường giao thông… giúp nông dân nâng cao thu nhập, đảm bảo yêu cầu sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và cũng là trực tiếp đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đối với các doanh nghiệp chuyên khai thác, vận chuyển sản phẩm, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với chính tuyến đường vận chuyển của mình. Riêng hệ thống ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, cần chủ động bám cơ sở gợi ý cho nhân dân xây dựng mô hình phát triển cây con phù hợp, nắm bắt và đáp ứng nhu cầu vay của nhân dân.

Bên cạnh giải pháp huy động vốn, điều chỉnh cơ cấu vốn, các địa phương khẩn trương triển khai thẩm định nguồn vốn, danh mục đầu tư cho năm 2012 và những năm tiếp theo trên cơ sở lấy trung tâm cụm xã làm trọng tâm để tạo sức lan tỏa cho các thôn, làng và vùng phụ cận. Việc phân khai, sử dụng nguồn vốn, ưu tiên các tiêu chí gần đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, hạng mục hạ tầng cơ sở, công trình phúc lợi cần đầu tư, phải do dân quyết định, và chính nhân dân quyết định mức đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng công trình. Khi phần đóng góp của nhân dân không đủ mới huy động sự hỗ trợ của doanh nghiệp.

Theo Báo Gia Lai