Gia Lai: Tín hiệu vui từ ngành Giáo dục Chư Pưh

28/11/2011 07:32 AM


Những ngày đầu mới thành lập (năm 2009), ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Pưh đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ngoài một số trường học của thị trấn Nhơn Hòa được xây dựng khang trang, các xã Chư Don, Ia Dreng, Ia Hrú, Ia Rong… còn nhiều trường học và điểm trường chỉ là những căn nhà cấp 4 đã xuống cấp và những lớp học được làm tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá…

Những ngày đầu mới thành lập (năm 2009), ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Pưh đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ngoài một số trường học của thị trấn Nhơn Hòa được xây dựng khang trang, các xã Chư Don, Ia Dreng, Ia Hrú, Ia Rong… còn nhiều trường học và điểm trường chỉ là những căn nhà cấp 4 đã xuống cấp và những lớp học được làm tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá…

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, chỉ trong 2 năm (2010 và 2011), huyện Chư Pưh đầu tư gần 13 tỷ đồng xây dựng một số công trình và hạng mục công trình cơ bản cho các trường học, như nhà ở giáo viên, nhà hiệu bộ, lớp học, tường rào... Ngoài ra, huyện cũng đã từng bước đầu tư các loại trang- thiết  bị phục vụ cho việc dạy và học tại các trường như: Máy vi tính, đầu đĩa, loa thùng, amply... Mua cấp bổ sung 45.500 quyển sách giáo khoa và 63.000 quyển vở cấp không cho học sinh dân tộc thiểu số.

 
Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh
Cùng với việc phát triển quy mô trường lớp, phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Pưh tập trung nhiều giải pháp để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Việc tổ chức hội thảo, hội giảng, hội thi giáo viên dạy giỏi, xây dựng phong trào tự học được chú trọng. Đến nay, 100% giáo viên trên địa bàn huyện được tạo cơ hội để bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ. Cùng với đó, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên bám trường, bám lớp ổn định cuộc sống để yên tâm công tác…


Chính nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự nhiệt tình yêu nghề, yêu trò, không ngại khó khăn của các thầy-cô giáo, nên sự nghiệp giáo dục của huyện không ngừng phát triển. Đến nay, toàn huyện có 26 trường học, với hơn 16.000 học sinh. Tỷ lệ học sinh khá và giỏi năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, 7/9 xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi…

Học sinh trong độ tuổi được huy động đến trường đạt tỷ lệ 98,5% và duy trì sĩ số đạt tỷ lệ 99,4%, trong đó tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đến trường luôn được duy trì ổn định ở mức cao. Quả ngọt đầu tiên sau những nỗ lực trong công tác trồng người ở huyện mới Chư Pưh là Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân được công nhận đạt chuẩn quốc gia ở mức độ I.
 

Bà Nguyễn Thanh Thắm- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cho biết: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi rất coi trọng việc nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt là phương pháp giảng dạy nhằm giúp học sinh nắm bắt kiến thức. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, cơ sở trường lớp có nhiều thay đổi”. Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Văn Tuấn- Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện cũng cho biết: Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường lớp, tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trong huyện, đồng thời tích cực đổi mới phương pháp dạy học, từng bước xây dựng, phát triển một nền giáo dục bền vững.

Theo Báo Gia Lai