Đak Pơ làm tốt công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình

18/11/2011 07:57 AM


Huyện Đak Pơ (Gia Lai), có 8 xã, với 73 thôn, làng và 9.218 hộ, 40.244 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 23% dân số. Theo số liệu thống kê, số chị em trong độ tuổi sinh đẻ từ 14 đến 49 tuổi trên địa bàn huyện là 7.385 người. Nếu không tuyên truyền tốt chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thì tỷ lệ gia tăng dân số là rất lớn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Đak Pơ (Gia Lai), có 8 xã, với 73 thôn, làng và 9.218 hộ, 40.244 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 23% dân số. Theo số liệu thống kê, số chị em trong độ tuổi sinh đẻ từ 14 đến 49 tuổi trên địa bàn huyện là 7.385 người. Nếu không tuyên truyền tốt chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thì tỷ lệ gia tăng dân số là rất lớn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì vậy, phương pháp tuyên truyền dân số hiệu quả nhất trước hết là sự nhiệt tình của đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên dân số từ thôn đến xã thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, cộng với sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương, hiệu quả thực hiện chính sách dân số của người dân đạt hiệu quả. Mặt khác, thời gian vừa qua, Trung tâm Dân số- KHHGĐ được huyện hỗ trợ phương tiện máy móc như máy chiếu, máy vi tính xách tay và vào mỗi năm tổ chức hai đợt tuyên truyền tập trung cao điểm trong chương trình thực hiện vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản- KHHGĐ, huyện chọn những làng sinh con còn nhiều, sinh con một bề và chị em trong độ tuổi sinh đẻ để thực hiện tuyên truyền.

 
 
Từ phương pháp tuyên truyền chính sách dân số chủ yếu vào ban đêm có máy móc mọi dữ liệu, biện pháp tránh thai hiện đại đều được nhập vào máy vi tính để chuyển tải đến với bà con và được bà con tiếp nhận rất hiệu quả. Trước đây, nếu chỉ tuyên truyền miệng thì giữa người tuyên truyền với người nghe khó hiểu hết ý nghĩa công tác dân số, đôi khi dẫn đến thực hiện sai. Hậu quả là có những chị em thực hiện biện pháp tránh thai như dùng bao cao su, uống thuốc tránh thai mà vẫn bị mang thai, vô hình trung làm cho công tác dân số bị người dân hiểu một cách “méo mó”. Qua những hình ảnh được trình chiếu và được cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số thường xuyên hướng dẫn, giải thích, một bộ phận người dân có gia đình đã hiểu được và phần nào đã thay đổi nhận thức.


Chính sự tích cực tuyên truyền công tác dân số- KHHGĐ như thế, nên nếu năm 2004, tỷ lệ phát triển dân số trên địa bàn huyện Đak Pơ là 2,38%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 2,1% thì đến năm 2011, tỷ lệ phát triển dân số còn 1,46%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,27%. Tỷ lệ người tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại năm 2004 chỉ thực hiện được 1.484 ca, đến năm 2011 là 2.813 ca. Một số làng thực hiện tốt công tác dân số, nhiều năm liền không có hộ gia đình sinh con thứ ba trở lên, chăm sóc tốt sức khỏe sinh sản, tiêu biểu như làng H’Ven (xã Đak Pơ), làng Krui (xã Yang Bắc), làng Groi 1 (xã Ya Hội). Hiện nay huyện còn thành lập được 18 Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi, phụ nữ với pháp luật. Hoạt động giúp cho công tác dân số trên địa bàn đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chính sách dân số ở Đak Pơ vẫn còn gặp một số khó khăn; tỷ lệ phát triển dân số, chất lượng dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số đa phần còn trẻ chưa quen địa bàn, chưa am hiểu nhiều về công tác dân số (do thực hiện Thông tư 05 của Bộ Y tế về thay đổi sáp nhập dân số về trạm y tế các xã) những cán bộ, cộng tác viên có tâm huyết, kinh nghiệm phải nghỉ vì không đủ bằng cấp. Nguồn kinh phí đầu tư cho dân số ở một số xã còn ít, chưa quan tâm nhiều đến công tác dân số. Mặt khác, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở huyện Đak Pơ đã xuất hiện, cụ thể năm 2010, số trẻ em sinh ra là 642 trẻ, trong đó nữ chiếm tỷ lệ là 46,7%.

Công tác dân số là một nhiệm vụ lâu dài, gian khổ, nếu mỗi cán bộ, cộng tác viên không thực sự nhiệt tình, tâm huyết và lăn lộn với nghề thì không thể làm được. Song mức phụ cấp cho cộng tác viên dân số vẫn còn quá thấp (70.000 đồng/người/tháng), trong khi giá cả ngày càng cao. Hơn nữa, một số xã cấp ủy, chính quyền còn buông lỏng sự lãnh đạo và chỉ đạo, khoán trắng công tác dân số cho cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên, không có sự quan tâm, đầu tư về vật chất lẫn tinh thần nên một số cán bộ, cộng tác viên dân số- KHHGĐ chưa yên tâm gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng” này.

Để công tác dân số- KHHGĐ thực sự đi vào lòng dân và để người dân đồng lòng thực hiện đạt hiệu quả cao, cần hơn nữa sự quan tâm chặt chẽ của chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác dân số trong việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số đến từng người dân. Từ đó giúp người dân nhận thức được việc thực hiện tốt công tác dân số- KHHGĐ là một trong những yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
 

Theo Báo Gia Lai