Nỗi niềm con chữ vùng sâu

06/10/2011 07:35 AM


Mô hình bán trú được xem như giải pháp giúp học sinh vùng khó khăn “bám trường”, “bám lớp” duy trì sĩ số. Năm học 2011-2012 này, bên cạnh niềm vui khi các em có một “ngôi nhà chung” để yên tâm học tập thì vẫn còn không ít điều trăn trở…

Mô hình bán trú được xem như giải pháp giúp học sinh vùng khó khăn “bám trường”, “bám lớp” duy trì sĩ số. Năm học 2011-2012 này, bên cạnh niềm vui khi các em có một “ngôi nhà chung” để yên tâm học tập thì vẫn còn không ít điều trăn trở…
 
 
Hai chị em Rô H’Nhú-học sinh lớp 6A3 và Rô H’Yam lớp 9A Trường THCS Nguyễn Huệ, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa (Gia Lai) kể: “Trước đây, chúng em phải đi bộ hơn 12 cây số đến lớp. Có hôm trời mưa phải mất đến 3 giờ đồng hồ, ngồi học mà mình mẩy lấm lem bùn đất. Năm nay ở nội trú, tụi em không còn lo dậy sớm để đến lớp nữa. Ban đầu nhớ nhà nhưng được thầy cô giúp đỡ, động viên nên chúng em đã an tâm học tập. Chúng em sẽ gắng học giỏi hơn nữa”.
 
 
Niềm vui khi được nhận quà. Ảnh: Ngọc Vũ
Niềm vui khi được nhận quà. Ảnh: Ngọc Vũ
Tiếp chuyện tôi, anh Nay Chut (43 tuổi), làng H’Liết- phụ huynh của học sinh Nay Quang, lớp 7- phấn khởi: “Nhà cách trường 8 km, đường đi khó khăn lắm. Thằng Quang đi học qua suối nước lớn, nhiều đoạn đường rừng vắng và dốc nên mình lo lắm. Ở nội trú, xa nhà nhưng thuận tiện cho việc học, gia đình ai cũng nhớ nhưng động viên nó đi học”.
 
 
Xã Chư Drăng có 11 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn, làng xa nhất cách trung tâm xã 25 km. Để đến trường, các em học sinh hàng ngày phải trèo đèo, lội suối vất vả, những hôm mưa gió học sinh chỉ biết ngồi nhìn nước suối dâng cao mà không thể nào qua được. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đóng góp của bà con, khu nhà nội trú của trường đã được xây dựng tạo điều kiện cho 82 học sinh trọ học. Nhờ đó tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm đáng kể, các em đi học đều nên chất lượng giáo dục được nâng lên. Mô hình phát huy hiệu quả bước đầu, hiện nhà trường đang khẩn trương hoàn thành 2 phòng ở mới để sớm đưa vào sử dụng.
 
 
Chứng kiến bữa ăn chiều chỉ có cơm và nồi canh rau lõng bõng, Kpăh H’Miêng, học sinh lớp 9, “chị cả” của cả phòng nữ tâm sự: “Chúng em tự nấu ăn. Ngoài khoản tiền được trợ cấp của Nhà nước là 90.000 đồng/tháng, cha mẹ cho thêm 100 ngàn đồng để mua thức ăn. Mỗi tháng em về nhà 2 lần để lấy gạo. Ở bán trú, 10 chị em ngủ chung trên 4 chiếc giường đôi. Hơi chật nhưng không sao. Chúng em giúp nhau cùng học tập, chung sống hòa thuận và coi nhau như người trong nhà. Khó khăn bao nhiêu chúng em cũng chịu được, miễn là được đến trường, sau này giúp dân làng không còn nghèo nữa”.
 
 
Ông Phạm Công Trình- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ trăn trở: “Trong năm học này, nhà trường đã huy động được 277 em đến lớp. Trên thực tế nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, nơi ăn chốn ở của học sinh bán trú còn chưa đảm bảo. Nước sinh hoạt các em phải đi lấy cách hơn 1 cây số và cũng không qua xử lý. Các em ở đây tự nấu nướng, ăn ở. Cơm nước đạm bạc, chủ yếu chỉ có cơm với muối trắng và rau rừng do các em hái, tự trồng, hay mang từ nhà lên. Mong muốn lớn nhất của thầy trò chúng tôi là có thêm phòng vì học trò đông nên khá chật chội. Chúng tôi cần lắm sự giúp đỡ vì hiện tại nhiều em đi học còn phải “đeo” vào người gánh nặng mưu sinh khi còn quá nhỏ”.
 
 
Ông Nay Hương- Chủ tịch UBND xã Chư Drăng cho biết: Hơn 60% hộ dân trong xã là hộ nghèo. Cái ăn chưa no, cái mặc chưa ấm thì việc học ở đây thật sự là một thử thách. Ngôi trường bán trú giúp học sinh vùng khó tiếp tục đến lớp nhưng xã cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn để có sự thay đổi căn bản giúp địa phương nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục vùng khó khăn với vùng thuận lợi.

Theo Báo Gia Lai