Xây dựng xã hội học tập ở TP.Pleiku: Đào tạo gắn với kết nối việc làm

30/09/2011 07:55 AM


5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Chư Á (TP. Pleiku, Gia Lai) đã mở được 13 khóa đào tạo nghề với 2.285 người tham gia. Ngoài ra, Trung tâm đã kết nối tìm việc làm cho 300 thanh niên, trong đó có cả người đi làm việc tại nước ngoài.

5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Chư Á (TP. Pleiku, Gia Lai) đã mở được 13 khóa đào tạo nghề với 2.285 người tham gia. Ngoài ra, Trung tâm đã kết nối tìm việc làm cho 300 thanh niên, trong đó có cả người đi làm việc tại nước ngoài.
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Học viên đầu tiên của Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Chư Á được đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài là Rơmah Khôn ở làng Mơ Nú. Nhà Khôn rất nghèo nên tốt nghiệp THPT, Khôn đành gác lại ước mơ học lên cao để ở nhà phụ giúp cha mẹ già trồng cây lúa, cây bắp. Dù vậy, mong ước được theo học một ngành nghề nào đó vẫn luôn “cháy” trong suy nghĩ của Khôn và khi Trung tâm mở lớp đào tạo thợ nề, Khôn đã không ngần ngại đăng ký tham gia. Sắp xếp thời gian, nỗ lực hết sức cho việc học, kết quả Khôn đã được một công ty tận xứ Hàn nhận vào làm việc với mức lương đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ-gần 30 triệu đồng/tháng. Chỉ sau một năm đi xuất khẩu lao động, Khôn đã dành dụm tiền gửi về cho gia đình trả hết mọi khoản nợ, xây được nhà mới và “tậu” xe tay ga.
 
 
Nói về hoạt động của Trung tâm, ông Võ Xuân Thành-Giám đốc Trung tâm Học tập Cộng đồng xã Chư Á, cho biết: “Những học viên của Trung tâm đa số là người dân tộc thiểu số trong xã, tuổi đời còn trẻ và chưa có việc làm. Do đó, họ đến với Trung tâm không chỉ mong muốn học lấy một nghề mà còn muốn có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định”. Trung tâm không chỉ đào tạo “suông” mà còn liên hệ với các công ty, doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm cho học viên sau mỗi khóa học.
 
 
Cụ thể, đã có nhiều học viên sau khi kết thúc khóa may công nghiệp đã vào làm việc tại các công ty may: Nhà Bè, may Bình Dương hay một số học viên khóa điện dân dụng và điện công nghiệp thì được nhận vào làm việc tại Nhà máy Thủy điện Đak Pơ Si… Ngoài ra, nhiều tiệm may cũng đã “ra đời” ngay tại thôn, làng mà chủ cửa tiệm là những “cựu” học viên của Trung tâm. Cũng theo ông Võ Xuân Thành để tiếp thêm “sức mạnh” cho các học viên trong mỗi khóa học, Trung tâm còn thành lập quỹ học bổng “Rèn đức, luyện tài, lập thân”-quỹ này Trung tâm vận động từ các công ty, doanh nghiệp để hỗ trợ cho những học viên nghèo, người dân tộc thiểu số siêng năng, học giỏi.
 
 
Cùng với việc đào tạo nghề, Trung tâm còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể mở các khóa tập huấn: Khuyến học cơ sở, bình đẳng giới, nông nghiệp, Luật Giao thông Đường bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống… Đặc biệt, sau khi đào tạo nghề, Trung tâm còn thành lập và quản lý một đội xe máy vận chuyển khách; chăm lo sau học tập một tổ sửa chữa máy công nông lưu động; một câu lạc bộ thợ nề, xây dựng… Đội xe máy vận chuyển khách của xã đã được một số tỉnh khác đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Riêng với câu lạc bộ thợ nề, bước đầu gặp không ít khó khăn do chưa tạo được uy tín và câu lạc bộ tự nhận công trình, tự hạch toán.
 
 
Tuy nhiên, Trung tâm đã hỗ trợ bằng cách nếu trong quá trình xây dựng anh em còn lúng túng sẽ nhờ giáo viên tư vấn hoặc gặp khó khăn về vốn Trung tâm sẽ đứng ra bảo lãnh… Đến nay, câu lạc bộ đã tạo được chỗ đứng nhất định với rất nhiều công trình dân sinh trong xã cũng như một số xã lân cận. Hơn nữa, hầu hết thành viên trong câu lạc bộ đều coi đây là nghề chính, là “cần câu cơm” hàng ngày với thu nhập 150 ngàn đồng/người.
 
 
Sau 5 năm đi vào hoạt động, ông Võ Xuân Thành khẳng định: “Trung tâm đã đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân trong cộng đồng, thậm chí một số xã lân cận cũng gửi học viên đến học tập. Đặc biệt, Trung tâm đã nhận được bằng khen của tỉnh và nhiều giấy khen của thành phố vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
 
 

Theo Báo Gia Lai