Gia Lai: Dự án quản lý đất đai triển khai chậm vì... đợi kinh phí

29/09/2011 07:36 AM


Năm 2008, ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Gia Lai lập quy hoạch dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010-2015 và định hướng giai đoạn sau năm 2015. Đây được kỳ vọng là một dự án lớn nhằm hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai từ cấp xã đến cấp tỉnh, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương

Năm 2008, ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Gia Lai lập quy hoạch dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010-2015 và định hướng giai đoạn sau năm 2015. Đây được kỳ vọng là một dự án lớn nhằm hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai từ cấp xã đến cấp tỉnh, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Mặc dù dự án đã được phê duyệt chính thức từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được vì thiếu kinh phí...
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế-xã hội, đất đai thực sự trở thành một dạng “hàng hóa đặc biệt”, tạo thành sức ép trong công tác quản lý nhà nước. Cùng với sự vận động của xã hội trong quá trình công nghiệp hóa- đô thị hóa, các thông tin liên quan đến quản lý địa chính của tỉnh liên tục biến động nhưng không được cập nhật kịp thời và liên tục. Nếu như năm 1993, toàn tỉnh chỉ có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 148 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn thì hiện nay, có 17 huyện, thị xã, thành phố và 222 xã, phường, thị trấn. Thay đổi về địa giới hành chính, diện tích giữa các thửa đất do mở rộng, chia tách, sang nhượng diễn ra rất nhiều nên các thông tin về thửa đất không còn phù hợp thực tế.
 
Bên cạnh đó, việc khai thác sử dụng dữ liệu địa chính tại Sở TNMT và các Phòng TNMT cấp huyện còn thiếu và không đồng bộ. Đa phần lưu trữ được thực hiện chủ yếu từ năm 2005 trở về trước; còn các bản đồ dạng số phần lớn được đo vẽ với độ chính xác thấp do yếu tố của lịch sử để lại, là một trở ngại lớn trong quá trình khai thác sử dụng.
 
 
 
Trước những vấn đề thực tế đặt ra, dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010-2015 và định hướng giai đoạn sau năm 2015, do Sở TNMT làm chủ đầu tư, với mục tiêu lâu dài là xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới thông tin đất đai một cách khoa học và hiện đại, góp phần đắc lực cho công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Do đó, dự án này sẽ xác định xây dựng hệ thống địa chính 4.222 điểm; đo vẽ mới bản đồ địa chính 198.752 ha; đo lại bản đồ địa chính không chính quy 256.656,3 ha; đo chỉnh lý bản đồ địa chính 65.294,5 ha; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2.632.474 giấy; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất 222 đơn vị hành chính cấp xã; đầu tư trang- thiết bị. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án lên đến 428,797 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%: 300,158 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 30%: 128,639 tỷ đồng).
 
 
Sau khi được UBND tỉnh chính thức phê duyệt vào tháng 8-2010, cho đến nay dự án vẫn trong trạng thái “giậm chân tại chỗ” vì chưa hội đủ điều kiện cần thiết và quan trọng nhất là kinh phí! Theo dự toán, tổng kinh phí là 428,797 tỷ đồng nhưng hiện chỉ có 18 tỷ đồng được rót về. Trước thực trạng chung khó khăn về nguồn tài chính hiện nay, Sở TNMT lựa chọn 3 huyện biên giới của tỉnh là Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai để ưu tiên triển khai dự án nhằm phục vụ công tác phân giới cắm mốc, xác định chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Xuân Hùng-Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết: “Với nguồn vốn hạn hẹp như hiện nay, quan điểm của Sở là kinh phí đến đâu thì làm đến đó nhưng phải hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu theo từng bước. Trước mắt dự án sẽ tiến hành tại 6 xã: Ia Phìn, Bình Giáo, Ia Drăng (huyện Chư Prông), Ia Bă, Ia Kha, Ia Hrung (huyện Ia Grai) và toàn huyện Đức Cơ. Đây cũng là những địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, biến động về đất đai tương đối lớn”.
 
 
Theo tính toán sơ bộ ban đầu, kinh phí triển khai tại xã Ia Drăng khoảng 3,268 tỷ đồng, Ia Phìn: 1,407 tỷ đồng, Bình Giáo: 4,273 tỷ đồng, Ia Bă: 4,142 tỷ đồng, Ia Kha: 5,277 tỷ đồng, Ia Hrung: 4,615 tỷ đồng. Riêng huyện Đức Cơ có tổng dự toán lên đến 65,444 tỷ đồng. Đây thực sự là bài toán khó cho chủ đầu tư dự án nếu muốn hoàn thành mục tiêu lâu dài khi khả năng tài chính và yêu cầu đạt tiến độ luôn có một khoảng cách quá lớn...
 
 

Theo Báo Gia Lai