Khi toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy chợ

23/09/2011 07:31 AM


Chợ là nơi tập trung đông người, là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, là biểu tượng của sự phồn thịnh,thể hiện mức sống của người dân, sự tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương. Do vậy chợ có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chợ là nơi tập trung đông người, là nơi diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, là biểu tượng của sự phồn thịnh,thể hiện mức sống của người dân, sự tăng trưởng kinh tế của mỗi địa phương. Do vậy chợ có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
 
Diễn tập phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Đức Thụy
Diễn tập phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Đức Thụy
Do kinh tế phát triển nên đã hình thành nhanh về quy mô và số lượng các chợ. Hiện nay địa bàn tỉnh Gia Lai có 16 chợ kiên cố và bán kiên cố, 1 Trung tâm Thương mại, 2 siêu thị, nếu tính cả chợ tạm thì có khoảng trên 100 chợ đang hoạt động. Với quy mô cả về diện tích, ngành hàng, số lượng, các hộ kinh doanh tăng, chủng loại hàng hóa, khối lượng hàng hóa trong chợ rất lớn và đa dạng, phần lớn các chợ hiện nay đều bị quá tải, cộng vào đó là lượng người ra, vào chợ ngày một đông. Nói riêng về tổng giá trị hàng hóa có chợ lên tới hàng trăm tỷ đồng, ít nhất cũng là vài chục tỷ đồng. Về mặt đặc điểm kiến trúc xây dựng chợ, theo thống kê thì 80% số chợ khi xây dựng không thẩm định về thiết kế và thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC). Nhiều chợ xây dựng từ thời bao cấp đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng và không còn phù hợp với tình hình đặc điểm kinh tế-xã hội và tiêu chuẩn an toàn PCCC hiện hành. Hệ thống điện nước không đảm bảo yêu cầu về an toàn PCCC và công tác chữa cháy.
 
 
Trong những năm qua công tác PCCC chợ nói chung, các biện pháp, giải pháp về an toàn PCCC chợ nói riêng được triển khai đồng bộ và tích cực ở tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh do đó đã hạn chế được số vụ cháy chợ và thiệt hại do cháy chợ gây ra. Tuy nhiên thời gian gần đây cháy chợ vẫn xảy ra và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đồng thời cũng gây hoang mang lo lắng cho người dân ở địa bàn xảy ra cháy. Ngoài những thiệt hại trực tiếp, thiệt hại về gián tiếp còn cao hơn nhiều. Trong số các vụ cháy xảy ra các năm vừa qua, cháy chợ luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội, không chỉ đơn thuần thiệt hại về tài sản mà ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội, an ninh trật tự.
 
 
Nguyên nhân các vụ cháy, qua phân tích cho thấy, việc sử dụng điện hoặc mạng điện, sử dụng ngọn lửa trần, thắp hương, thờ cúng vi phạm nội dung an toàn PCCC luôn chiếm tỷ lệ cao. Trong đó cháy do điện luôn chiếm tỷ lệ cao hơn cả, vì hầu hết hệ thống điện các chợ không đảm bảo an toàn PCCC; nhiều hộ kinh doanh tự ý mắc thêm các phụ tải làm cho dây dẫn, các thiết bị đóng cắt quá tải so với công suất thiết kế ban đầu; sử dụng cầu dao, cầu chì không đúng quy cách tiêu chuẩn, đường dây điện bị mục dẫn đến chạm chập gây cháy.
 
 
Khoảng 20 giờ ngày 18-3-2010, chợ Phú Túc (huyện Krông Pa) bốc cháy, thiêu rụi gần như hoàn toàn 240 sạp hàng hóa của bà con tiểu thương, ước tính khoảng 15 tỷ đồng. Trong khi các tiểu thương ở chợ huyện Krông Pa chưa hết bàng hoàng vì “hỏa tặc” đã cướp đi toàn bộ gia sản, thì trưa 20-3-2010, ngọn lửa hung dữ lại tiếp tục bùng cháy tại chợ thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, thiêu rụi 1 kiốt và 11 sạp hàng tạp hóa. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do chập điện. Tuy nhiên, do phát hiện kịp thời và lực lượng chữa cháy tại chỗ phát huy tác dụng tốt nên sau 30 phút đám cháy được dập tắt hoàn toàn, thiệt hại về tài sản khoảng 200 triệu đồng.
 
 
Công tác PCCC chợ địa bàn huyện, xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều yếu kém, lực lượng phương tiện chữa cháy còn rất yếu và thiếu, không được huấn luyện thường xuyên về nghiệp vụ PCCC; khi  phát hiện báo cháy và xử lý ban đầu còn chậm, lúng túng; trang bị chữa cháy hầu như không có. Rất ít chợ được trang bị máy bơm chữa cháy, nguồn nước ở chợ thiếu nghiêm trọng.
 
 
Thực trạng của các chợ hiện nay đã quá tải về số lượng các hộ kinh doanh so với diện tích thiết kế ban đầu, lượng hàng hóa cũng quá lớn so với mặt bằng diện tích chật hẹp, hàng hóa xếp chồng chéo lẫn nhau, lấn chiếm lối thoát nạn và hành lang ngăn cháy. Khoảng cách an toàn PCCC giữa các gian, quầy hàng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn PCCC, không có đường cho xe chữa cháy hoạt động trong chợ vì bị các mái che, mái vẩy và hàng hóa lấn chiếm…
 
 
Trong những năm gần đây, Ban Quản lý các chợ đã có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về công tác PCCC, đã có sự quan tâm thường xuyên và chính đáng cả về chủ trương chỉ đạo đến kinh phí và tổ chức lực lượng thực hiện công tác PCCC. Nhiều chợ đã đi vào nền nếp trong việc thực hiện các quy định tiêu chuẩn PCCC khi có yêu cầu của cơ quan PCCC và cơ quan quản lý cấp trên, do đó đã khống chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn Cứu hộ- Công an tỉnh đã thường xuyên kiểm tra hướng dẫn lập phương án và diễn tập phương án chữa cháy, huấn luyện nghiệp vụ cho các đội PCCC tại chỗ ở các chợ để làm tốt công tác PCCC. Mỗi người dân cần đề cao ý thức cảnh giác với phương châm phòng cháy hơn chữa cháy để hạn chế tới mức thấp nhất do hậu quả cháy chợ gây nên.

Theo Báo Gia Lai