Gia Lai: Lãi suất cho vay đã “giảm nhiệt”

19/09/2011 07:46 AM


Ông Nguyễn Văn Cư- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Gia Lai cho biết: Theo Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì sẽ đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ đối với lãnh đạo các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất. Trên địa bàn tỉnh, tất cả các chi nhánh đã nhận được chỉ đạo của Hội sở và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã yêu cầu các ngân hàng thương mại liên tục báo cáo về việc triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Cư- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Gia Lai cho biết: Theo Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì sẽ đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ đối với lãnh đạo các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về lãi suất. Trên địa bàn tỉnh, tất cả các chi nhánh đã nhận được chỉ đạo của Hội sở và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã yêu cầu các ngân hàng thương mại liên tục báo cáo về việc triển khai thực hiện.
 
 
Bên cạnh đó, qua thanh tra, giám sát, biểu lãi suất niêm yết của các tổ chức tín dụng cho thấy tất cả đều chấp hành tốt, không để xảy ra vi phạm. Ông Cư cho biết thêm: Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã thiết lập đường dây nóng: (059) 3822313. Tập thể, cá nhân phát hiện tổ chức tín dụng nào vi phạm huy động vượt trần nên báo cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh kiểm tra và xử lý.
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm cho hoạt động ngân hàng công khai, minh bạch, mang tính cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng “lãi suất đi đêm” như thời gian vừa qua, gây rối loạn thị trường. Những ngày gần đây, lãi suất huy động được áp dụng tối đa là 14%/năm đối với tất cả các kỳ hạn. Nhiều khách hàng thỏa thuận lãi suất cao hơn nay cũng chấp nhận hưởng lãi quay về mức kịch trần 14%.    
 
 
Theo ông Lý Anh Đào-Giám đốc Chi nhánh SHB Gia Lai: Thực hiện thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về áp dụng trần huy động lãi suất mà nguồn huy động của Chi nhánh đã giảm đến gần 20 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ gần 7% trên tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh. Số đông khách hàng nhỏ chấp nhận lãi suất 14%, riêng các khách hàng có số tiền lớn rút nhiều khi yêu cầu thỏa thuận không thành công.
 
 
Giải thích vấn đề này, ông Đào cho biết, lãi suất ngân hàng chỉ ở mức trần 14% so với mức lạm phát 18% nên khách hàng rút tiền từ ngân hàng để đầu tư qua kênh sinh lời khác như vàng, bất động sản… để bảo toàn đồng vốn là điều dễ hiểu. Thời điểm này rất khó khăn để thu hút vốn từ dân cư, Chi nhánh đang rất lo lắng về nguồn cho vay trên địa bàn.
 
 
Ở một số chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần khác, từ đầu tuần đến nay nguồn huy động cũng biến động tương tự. Nhìn chung, các ngân hàng đều nhận định khách hàng đang tìm cách đổ vốn vào kênh đầu tư sinh lời bởi gửi tiết kiệm ngân hàng sinh lãi ít.
 
 
Lãi suất cho vay bắt đầu giảm
 
 
Lãi suất huy động giảm, kéo lãi suất đầu ra ở các ngân hàng cũng giảm theo. Gần như mức lãi suất cho vay đã được các ngân hàng thương mại trên địa bàn đưa về 17-19%/năm, giảm khoảng 1-2%/năm ở các kỳ hạn.  
 
 
Từ đầu tháng 9, trước lúc thông tư của Ngân hàng Nhà nước ban hành, Chi nhánh SHB Gia Lai đã giảm lãi suất cho vay. Đối với lĩnh vực cho vay xuất khẩu, Chi nhánh áp dụng là 17,5%, cho vay sản xuất kinh doanh là 18%-19%/năm. Hiện nay, trong tổng dư nợ hơn 400 tỷ đồng, Chi nhánh dành phần vốn cho sản xuất kinh doanh, cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu là chủ yếu, lĩnh vực phi sản xuất chỉ chiếm 5%. Để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bổ sung vốn cho vay, từ nay đến cuối năm, SHB Gia Lai được Hội sở dành cho 100 tỷ đồng-150 tỷ đồng để cho vay với mức lãi suất từ 17% đến 19%/năm.
 
 
Vietinbank Gia Lai cũng đang áp dụng lãi suất cho vay giảm từ 1% đến 2%/năm đối với tất cả các đối tượng vay. Với lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, Chi nhánh lãi suất 17%/năm. Vietinbank phấn đấu tăng thêm 300 tỷ đồng vốn vay ngắn hạn cho nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu để đạt 2.800 tỷ đồng dư nợ trong năm nay.
 
 
Trong khi đó, Chi nhánh BIDV Gia Lai dành hạn mức tín dụng ưu đãi 500 tỷ đồng để cho các doanh nghiệp vay bằng giá vốn. Một số ngân hàng thương mại khác trên địa bàn cũng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay so với trước đây.
 
 
Lãi suất giảm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ sản xuất tiếp cận vốn vay phục vụ cho sản xuất kinh doanh, khi nhu cầu vốn vào thời điểm cuối năm đang tăng. Mặt khác sẽ nâng mức dư nợ toàn ngành tăng lên, đạt kế hoạch tăng trưởng. Hiện tại, tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn mới chỉ tăng 4,5% so với đầu năm.

Theo Báo Gia Lai