Cây mía trên đất Đak Pơ

17/09/2011 08:30 AM


Những năm qua, cây mía đã đem lại no ấm cho nông dân huyện Đak Pơ (Gia Lai). Để giúp bà con tiếp tục mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chính quyền địa phương đã phối hợp với Nhà máy Đường An Khê đảm bảo đầu ra, tái đầu tư vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật để nông dân yên tâm phát triển vùng nguyên liệu này.

Những năm qua, cây mía đã đem lại no ấm cho nông dân huyện Đak Pơ (Gia Lai). Để giúp bà con tiếp tục mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chính quyền địa phương đã phối hợp với Nhà máy Đường An Khê đảm bảo đầu ra, tái đầu tư vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật để nông dân yên tâm phát triển vùng nguyên liệu này.
 
 
Trên những vạt đồi thoai thoải hay những triền dốc khá cao ở huyện Đak Pơ, đâu đâu cũng thấy bóng dáng cây mía. Cây mía có mặt tại đây từ những năm 90 của thế kỷ trước nhưng chỉ được trồng lẻ tẻ ở các khoảnh vườn nhỏ, chủ yếu để ép thủ công lấy mật và lấy lá cho gia súc ăn. Năm 2000, cán bộ Nhà máy Đường An Khê đặt vấn đề trồng mía với bà con, từ đó nhiều hộ gia đình bắt đầu mở rộng diện tích.
 
 
Mía là loại cây đã giúp cho đồng bào thoát nghèo và có cơ hội làm giàu. Ảnh: Lê Hòa
Mía là loại cây đã giúp cho đồng bào thoát nghèo và có cơ hội làm giàu. Ảnh: Lê Hòa
Tuy nhiên, khi mới đưa vào trồng đại trà, bà con gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc nên năng suất đạt thấp từ 20 tấn đến 30 tấn/ha. Đến khi nông dân được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng mía do cán bộ Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, năng suất tăng đột biến lên 60 tấn đến 70 tấn/ha. Gia đình anh Đinh Văn Duyên, dân tộc Bahnar ở làng Hven, xã Đak Pơ trước đây vốn rất khó khăn, từ năm 2006, gia đình bắt tay vào trồng mía, cuộc sống gia đình dần ổn định và cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Anh Đinh Văn Duyên, chia sẻ: ”Nhà mình trồng được 3 ha, năm ngoái thu được 5 tấn một sào. Đời sống gia đình khá hơn trước do giá cả thu mua của nhà máy ổn định. Mong ngành chức năng đưa nhiều giống mía mới cho chúng tôi”.
 
 
Yang Bắc là một xã vùng sâu của huyện Đak Pơ, trước đây người dân sống phụ thuộc vào nương rẫy và vào rừng khai thác tài nguyên. Những năm qua, được sự hỗ trợ về giống, vốn, được trang bị kỹ thuật nên hầu hết các hộ đã bắt tay vào trồng mía. Hiện tại, toàn xã Yang Bắc đã trồng được 1.450 ha mía. Nhờ đó, nhiều hộ đã xây nhà khang trang, mua sắm được xe máy, máy cày và các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình. Ông Nguyễn Quốc Cường- Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết: “Nhờ trồng mía nên đời sống đã thay đổi nhiều. Toàn xã có hơn 40 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm”.
 
 
Đi đôi với mở rộng diện tích mía, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân cũng được chính quyền các cấp của huyện Đak Pơ đặc biệt chú trọng. Mỗi năm, huyện cũng mở hơn 30 lớp chuyển giao khoa học dành cho nông dân, đồng thời chủ động phối hợp với hai nhà máy đường An Khê và Bình Định để mở rộng diện tích, đảm bảo việc thu mua ổn định, kịp thời vụ và tái đầu tư cho vùng nguyên liệu, qua đó giúp bà con yên tâm sản xuất và đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện, từng bước đưa nông nghiệp, nông dân và nông thôn đi lên. Hiện tại, toàn huyện Đak Pơ trồng được 5.174 ha mía, tăng so với năm ngoái hơn 2.200 ha.
 
 
Ông Nguyễn Trường- Phó Chủ tịch UBND huyện nhận xét: “Những năm trước đây, giá cả có sự dao động đáng kể. Gần đây, giá cây mía tương đối ổn định. Huyện đã chủ động làm việc với các nhà máy đường để phối hợp giải quyết việc bố trí lịch thu hoạch, giải quyết đầu ra cho cây mía, phối hợp chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để từng bước nâng cao năng suất mía. Cũng theo ông Trường, vụ mía năm nay rất triển vọng. Cây mía đã và đang đem lại đời sống no ấm cho nhân dân địa phương”. 

Theo Báo Gia Lai