Từ 1-1-2012: Thuế nhà đất ổn định theo chu kỳ 5 năm

31/08/2011 01:13 PM


Trong những năm qua, tình hình thuế nhà đất trên địa bàn TP. Pleiku (Gia Lai) luôn có sự biến đổi theo xu hướng mức thuế đóng năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, kể từ năm 2009 đến nay, mức thuế nhà đất có sự điều chỉnh đáng kể khi thành phố chính thức công nhận là đô thị loại II, vì vậy khung giá đất ở đô thị được áp theo hệ số hàng năm khá cao mặc dù hệ thống công trình hạ tầng cơ sở đô thị như nước sạch

Trong những năm qua, tình hình thuế nhà đất trên địa bàn TP. Pleiku (Gia Lai) luôn có sự biến đổi theo xu hướng mức thuế đóng năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt, kể từ năm 2009 đến nay, mức thuế nhà đất có sự điều chỉnh đáng kể khi thành phố chính thức công nhận là đô thị loại II, vì vậy khung giá đất ở đô thị được áp theo hệ số hàng năm khá cao mặc dù hệ thống công trình hạ tầng cơ sở đô thị như nước sạch, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè, công trình phúc lợi công cộng... vẫn chưa đầu tư theo kịp các tiêu chuẩn quy hoạch.
 
 
Đường Trần Phú- Một trong những đường phố có giá thuế đất cao nhất ở Pleiku. Ảnh: Sơn Ca
Đường Trần Phú- Một trong những đường phố có giá thuế đất cao nhất ở Pleiku. Ảnh: Sơn Ca
Đơn cử như tại khu vực đường Bà Triệu- phường Phù Đổng- TP. Pleiku, theo những cư dân sinh sống tại đây thì mức thuế nhà đất các năm trước chỉ tăng từ vài chục ngàn đồng/năm nhưng từ năm 2009 trở lại đây dao động đến hàng trăm ngàn đồng/năm. Trong khi đó, con đường này vẻn vẹn 3,5 mét bề rộng trải nhựa do nhân dân đóng góp làm từ năm 1997, không có lề đường cũng như mương thoát nước; hầu hết cư dân là người buôn bán nhỏ, lao động phổ thông.
 
 
Bà Phạm Thị S.- một cư dân tại đường Bà Triệu cho biết: Nhà tôi có 150 m2 đất ở, thuế nhà đất đóng năm 2008 là 464.000 đồng; năm 2009 là 573.440 đồng, năm 2010 là 672.900 đồng, còn năm 2011 là 762.600 đồng. Thời buổi kinh tế khó khăn, đồng tiền mất giá mà thuế tiếp tục tăng thì chỉ khổ cho dân thôi!
 
 
Không riêng gì đường Bà Triệu, một số tuyến đường khác trên địa bàn thành phố cũng có sự chênh lệch giữa hệ thống hạ tầng công trình đô thị với việc áp giá, đẩy hệ số đất các con đường nhiều khi cao hơn giá trị thực tế dẫn đến việc tăng thuế nhà đất hàng năm. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Bá Trường- Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku, thì việc ban hành bảng giá đất ở đô thị hiện nay được dựa trên cơ sở Nghị định 123/2007/NĐ-CP và mức giá đất áp dụng chưa phải là cao nhất so với quy định. Ví dụ, theo Nghị định 123/2007/NĐ-CP thì loại đường 1A có mức giá là 30 triệu đồng/m2; nhưng trên thực tế tại bảng giá đất năm 2011 của TP. Pleiku, loại đường 1A chỉ áp dụng mức giá 20 triệu đồng/m2.
 
 
Bên cạnh đó, theo quy định thì việc định giá đất hàng năm phải bằng ít nhất là 80% giá đất thị trường. Thế nhưng hiện nay việc định giá đất chỉ mới đạt từ 40% đến 60% giá trị thực tế trên thị trường do vậy, trong thời gian tới các cơ quan chức năng nhà nước dự kiến sẽ điều chỉnh lại giá đất một số tuyến đường cho phù hợp với thực tế.
 
 
Liên quan đến vấn đề thuế nhà đất, ông Nguyễn Trọng Bảo- Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế tỉnh) cho biết: Kể từ ngày 1-1-2012, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực. Đối tượng chịu thuế là đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp... Với việc triển khai sắc thuế mới này thì  giá của 1 m2 đất tính thuế là giá đất theo mục đích sử dụng của thửa đất tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định và được ổn định theo chu kỳ 5 năm. Do vậy, theo ước tính sơ bộ của ngành Thuế, số thuế nhà đất hàng năm của người dân sẽ giảm đáng kể so với trước đây và mức thuế được ổn định hơn...
 
 

Theo Báo Gia Lai