Huyện Kbang: Chủ động đối phó khi mưa lũ về

29/08/2011 01:20 PM


Được xem là rốn lũ ở huyện Kbang (Gia Lai) nên để đối phó với mùa mưa lũ đang đến gần, xã Đông đang tập trung rà soát, sửa chữa hệ thống giao thông đảm bảo an toàn, triển khai cho các thôn, làng tuyên truyền, vận động nhân dân thu hoạch các loại cây trồng ven sông suối để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Được xem là rốn lũ ở huyện Kbang (Gia Lai) nên để đối phó với mùa mưa lũ đang đến gần, xã Đông đang tập trung rà soát, sửa chữa hệ thống giao thông đảm bảo an toàn, triển khai cho các thôn, làng tuyên truyền, vận động nhân dân thu hoạch các loại cây trồng ven sông suối để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra.
 
 
Cầu treo qua sông Ba (xã Đông) được sửa chữa. Ảnh: Như Hướng
Cầu treo qua sông Ba (xã Đông) được sửa chữa. Ảnh: Như Hướng
Để đến khu vực sản xuất của nhân dân thôn 3, xã Đông chỉ có tuyến đường duy nhất qua suối Hố Muồng. Vị trí qua suối Hố Muồng thường bị mưa lũ cuốn trôi cống và đường bị cắt đứt hoàn toàn, không thể đi lại được. Vụ thu hoạch vừa rồi toàn bộ mía, bắp, mì… bà con đều phải vận chuyển thủ công qua Hố muồng rất khó khăn vất vả. Mới đây, huyện thống nhất chủ trương đầu tư kinh phí với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để sửa chữa. Dự toán kinh phí khoảng trên 260 triệu đồng và xã đang đề xuất huyện hỗ trợ 70%, xã 20% và nhân dân đóng góp 10%. Thôn 3 có khoảng 200 hộ đã họp lấy ý kiến nhân dân với mức đóng góp đối với hộ có đất sản xuất phía bên kia suối là 200 ngàn đồng và hộ còn lại là 100 ngàn đồng, đa số bà con thống nhất cao.
 
 
Ông Nguyễn Văn Đông- Trưởng thôn 3 cho biết: Mấy năm qua cống Hố Muồng là tuyến đường đi của thôn 3 chúng tôi, là đường cơ bản. Bà con đi lại làm ăn ở cánh đồng ngoài này. Từ ngày đường bị cắt thì vô cùng khó khăn. Vừa qua được sự quan tâm của huyện về làm cống Hố Muồng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Mong các cấp cố gắng làm sớm trước mùa mưa để bà con đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
 
 
Còn cầu treo qua sông Ba phục vụ cho 2/3 số dân trong xã đi lại sản xuất ở bờ Tây sông Ba, mật độ người qua lại nhiều. Cầu dài 120 mét, rộng 2,8 mét, nay xuống cấp hư hỏng nặng, nếu không sửa chữa kịp thời thì mùa mưa lũ sẽ gây ách tắc. Ông Nguyễn Văn Dũng, thôn 7, cho biết: Xã đã vận động Công ty cổ phần Khoáng sản Gia Lai (đang đặt nhà máy chế biến quặng trên địa bàn xã), hỗ trợ 150 triệu đồng, đồng thời huyện hỗ trợ trên 80 triệu đồng. Kinh phí này sẽ thay lại toàn bộ mặt cầu bằng ván gỗ mới. Để chọn vật liệu đảm bảo yêu cầu, xã mua hơn 24 m3 gỗ dầu đỏ về quét dầu hắc rồi mới lắp đặt. Xã không chọn phương án đấu thầu mà giao cho dân làm, dân giám sát, thuê kỹ thuật để giảm các khoản chi phí. Hiện nay, công trình đang thi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 8.
 
 
Ông Trần Ngọc Thạch- Chủ tịch UBND xã Đông nói: Phương án để dân nhận làm và giám sát công trình cũng là thí điểm để sắp tới giao một số công trình của chương trình xây dựng nông thôn mới cho dân làm. Dân làm, dân giám sát, dân sử dụng để có tinh thần trách nhiệm tốt hơn.
 
 
Ngoài giao thông, xã Đông cũng là địa phương có nhiều diện tích sản xuất ven sông, suối, hoa màu thường bị ảnh hưởng trong mùa mưa lũ. Xã luôn quan tâm công tác vận động nhân dân chủ động đối phó với mưa lũ. Ông Thạch cho biết: Xã đã tập trung rà soát khắc phục sửa chữa một số tuyến đường quan trọng trước mùa mưa, sửa chữa lại cầu treo và tuyến Hố Muồng đứt đoạn. Còn các điểm khác xã cũng đang triển khai khắc phục trong điều kiện khả năng của mình. Hoa màu nằm gần sông suối, những nơi dễ bị ngập úng, ngập lụt đến kỳ thu hoạch thì chỉ đạo bà con tập trung thu hoạch dứt điểm. Máy móc phục vụ sản xuất bố trí dọc bờ sông, bờ suối cũng đưa về nơi an toàn.
 
 
Với sự chủ động triển khai công tác phòng-chống, chắc chắn xã Đông sẽ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các địa phương khác cũng cần sớm triển khai biện pháp phòng-chống, đối phó với mùa mưa lũ tại địa phương mình, góp phần làm tốt công tác giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa lũ sắp đến.

Theo Báo Gia Lai