Giảm nghèo ở Đak Pơ (Gia Lai): Vẫn là bài toán khó

26/08/2011 07:53 AM


Theo thống kê, huyện Đak Pơ có 2.612 hộ nghèo, với 11.314 khẩu, chiếm 29,62% dân số. Đây là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh.

Ảnh: Sơn Ca
Ảnh: Sơn Ca
Theo thống kê, huyện Đak Pơ có 2.612 hộ nghèo, với 11.314 khẩu, chiếm 29,62% dân số. Đây là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. 


Phân tích của UBND huyện cho thấy thực trạng nghèo đói trên địa bàn huyện xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, Đak Pơ mới được thành lập năm 2003 nên kinh nghiệm chỉ đạo, triển khai công tác xóa đói giảm nghèo của hệ thống chính trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng không có đất sản xuất, thiếu đất và vốn sản xuất, thiếu việc làm và kiến thức làm ăn vẫn còn khá phổ biến. Trong số 2.612 hộ nghèo, tỷ lệ hộ thuần nông xấp xỉ 96,8%. Sở dĩ tỷ lệ hộ thuần nông nghèo chiếm tỷ lệ cao bởi sản xuất nông nghiệp ở Đak Pơ phát triển không bền vững, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất theo phương thức lạc hậu, tự cung tự cấp, vẫn còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV (nhiệm kỳ 2011- 2015) đề ra mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10%. Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện phải phấn đấu giảm 3-5% tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm. Mục tiêu là vậy, song xóa đói giảm nghèo vẫn đang là bài toán khó của Đak Pơ trong những năm tới.

Khó là bởi công tác khảo sát, đánh giá, phân loại hộ nghèo vẫn chưa thật chính xác, ảnh hưởng đến việc hoạch định chủ trương, chính sách. Mặc dù huyện có chủ trương lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia cùng hướng đến mục tiêu giảm nghèo nhưng trên thực tế do kẹt “cơ chế” nên các chương trình (135, 134, định canh định cư, cho vay giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý cho người nghèo...) vẫn chưa có tiếng nói chung. Đak Pơ là huyện có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số không cao nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 54%. Thực tế đó phản ánh nhiều điều, trong đó đáng chú ý là ý thức vươn lên thoát nghèo còn kém, đa phần thiếu kiến thức sản xuất, đặc biệt là tâm lý trông chờ ỷ lại.

Bên cạnh các yếu tố trên, theo ông Nguyễn Trọng Thủy-Phó Chủ tịch UBND huyện, một trong những cái khó mang tính lâu dài trong công tác xóa đói giảm nghèo hiện nay ở Đak Pơ là “xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên khó khăn, sản xuất nông nghiệp bấp bênh…”. Mặc dù Đak Pơ đã trở thành vùng chuyên canh mía, mì, bắp lai, rau xanh và chăn nuôi bò nhưng chỉ tập trung ở một số vùng và một bộ phận dân cư, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vẫn loay hoay với phương thức tự sản-tự tiêu. Danh sách 3 xã có tỷ lệ nghèo chiếm trên 50% gồm: Yang Bắc (67,15%), Ya Hội (69,65%), An Thành (50,26%) đã chứng minh điều đó.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Hồ Văn Niên khẳng định: Xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó, giải pháp chủ yếu để giảm nghèo trong thời gian tới là: Tích cực vận động nhân dân khắc phục khó khăn, chủ động xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả; vận động các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình giảm nghèo; lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới… Cùng với đó, việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính năng động, linh hoạt của cả hệ thống chính trị đối với công tác giảm nghèo là cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ, chỉ có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp… thì mới khơi gợi ý thức vươn lên của người nghèo.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, UBND huyện cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2011 và định hướng đến năm 2015. Kế hoạch đề ra 7 nhiệm vụ cụ thể, với hàng loạt công việc cần triển khai trong thời gian tới. Tuy nhiên, đó chỉ là sự cụ thể hóa các chương trình quốc gia chứ chưa tạo ra được dấu ấn riêng. Theo chúng tôi, để giải “bài toán” đói nghèo hiện nay, Đak Pơ cần tìm ra những bước đi, mô hình căn cơ hơn.

Theo Báo Gia Lai