Gia Lai: Hướng đi đúng của Dự án cạnh tranh nông nghiệp

22/08/2011 01:55 PM


Sau 2 năm triển khai thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và Chính phủ hỗ trợ, đến nay các hợp phần và tiểu hợp phần đã bắt đầu vận hành đi vào thực tế. Dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng dự án bước đầu đã phát huy tác dụng khi người nông dân đã ý thức được sự liên kết trong sản xuất để tạo ra những giá trị bền vững trong nông nghiệp.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và Chính phủ hỗ trợ, đến nay các hợp phần và tiểu hợp phần đã bắt đầu vận hành đi vào thực tế. Dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng dự án bước đầu đã phát huy tác dụng khi người nông dân đã ý thức được sự liên kết trong sản xuất để tạo ra những giá trị bền vững trong nông nghiệp.

 
Ảnh: N.D
Ảnh: N.D
Cùng với các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đak Lak và Bình Thuận, năm 2009 Gia Lai cũng được Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) chọn làm điểm để thực hiện dự án Cạnh tranh nông nghiệp giai đoạn năm 2009-2013, với tổng nguồn kinh phí trên 8 triệu USD, gồm vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn đối ứng của tỉnh và vốn liên minh giữa doanh nghiệp và nông dân. Mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh của những hộ nông dân sản xuất nhỏ trên địa bàn tỉnh, thông qua việc tổ chức các tổ, nhóm nông dân sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiếp cận thị trường, cung cấp công nghệ sản xuất mới…; đồng thời hỗ trợ một phần cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất để hướng đến những giá trị bền vững trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Dự án tập trung vào 4 hợp phần: Tăng cường công nghệ nông nghiệp, hỗ trợ liên minh sản xuất, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và quản lý dự án. Ngoài ra, hàng chục tiểu hợp phần khác giúp nông dân tiếp cận các phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững.


Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, đến nay một số hạng mục đã được triển khai như: Xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây tiêu tại một số huyện của tỉnh; xây dựng nhân rộng mô hình 3 giảm 3 tăng trên cây lúa; xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây cà phê tại một số huyện; chuyển giao công nghệ chế biến, bảo quản thức ăn khô cho bò từ phế phụ phẩm nông nghiệp (hợp phần tăng cường công nghệ sinh học...).

Tại hợp phần liên minh sản xuất (LMSX) giữa doanh nghiệp và nông dân: Đến nay đã có 2 LMSX đi vào hoạt động gồm: LMSX cà phê bền vững tại huyện Chư Prông và liên minh vỗ béo bò thịt tại huyện Kông Chro. Bước đầu hợp phần này đã mang lại niềm tin cho người nông dân vì họ được hưởng lợi từ dự án. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ cho ra mắt các LMSX tiêu sọ Al Bá (huyện Chư Sê), liên minh ong mật (huyện Ia Grai). Hợp phần, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng đã được phê duyệt, chuẩn bị thực hiện nâng cấp đường vào khu sản xuất cà phê xã Ia Phìn (huyện Chư Prông), xây cầu tràn qua suối Ia Dom (huyện Đức Cơ)…

Ông Nguyễn Xuân Vị- Phó Giám đốc Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh cho biết: “Việc thực hiện dự án ở Gia Lai còn gặp nhiều vướng mắc như chưa có nguồn vốn đối ứng của tỉnh, cán bộ còn yếu và thiếu nên tiến độ triển khai chậm nhưng bù lại các hợp phần đang được triển khai đồng bộ, đúng hướng giúp người dân và các địa phương từng bước tháo gỡ những khó khăn. Trong thời gian tới đây khi các hợp phần được phê chuẩn mục tiêu ban đầu của dự án đề ra sẽ thuận lợi hơn”.

Theo Báo Gia Lai