Những chiến sĩ công an bám làng

21/08/2011 05:51 PM


Hơn 7 năm qua, trên khắp các buôn làng ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa luôn có bóng dáng những cán bộ, chiến sĩ Đội công tác số 4 (Phòng-chống FULRO, Công an tỉnh Gia Lai) trong trận tuyến chống lại âm mưu của các thế lực thù địch. Sự hy sinh thầm lặng của họ không chỉ tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng an ninh mà còn góp phần xây đắp hình ảnh người chiến sĩ Công an Nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Hơn 7 năm qua, trên khắp các buôn làng ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa luôn có bóng dáng những cán bộ, chiến sĩ Đội công tác số 4 (Phòng-chống FULRO, Công an tỉnh Gia Lai) trong trận tuyến chống lại âm mưu của các thế lực thù địch. Sự hy sinh thầm lặng của họ không chỉ tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng an ninh mà còn góp phần xây đắp hình ảnh người chiến sĩ Công an Nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Khi chúng tôi tới điểm đóng quân của Đội công tác số 4 ở bôn So Ma Riơng, xã Chroh Pơnan (huyện Phú Thiện) cũng là lúc Trung úy Bùi Ngọc Đông vừa xuống làng về. Dựng chiếc xe máy lấm lem bùn đất rồi đưa tay lau những giọt mồ hôi ướt đầm trên má, Đông bảo: “Công việc hàng ngày của anh em trong đội là xuống làng nắm tình hình. Thường thường bọn em đi vào buổi sáng sớm, lúc đồng bào chưa lên rẫy và chiều muộn, khi bà con đi làm về. Riêng ngày chủ nhật bà con ở nhà thì anh em đi cả ngày.

 
Giúp dân làm vệ sinh đường làng. Ảnh: T.D
Giúp dân làm vệ sinh đường làng. Ảnh: T.D
Cũng bởi ý thức rõ trách nhiệm của mình với công việc được giao nên sau 4 năm về Đội công tác số 4, Bùi Ngọc Đông đã nắm chắc tình hình của từng địa phương, từng đối tượng cốt cán FULRO, “Tin lành Đê-ga” trên địa bàn quản lý. Ngoài việc khoanh vùng để quản lý, theo dõi, đội còn có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm giúp họ nhận ra bộ mặt thật của các thế lực phản động lưu vong, rời bỏ con đường lầm lạc.
 
Để việc tuyên truyền phát huy hiệu quả, hàng năm, đội phối hợp với Công an các huyện, thị xã tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng vận động cho các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong dòng tộc để những người này cùng tham gia vận động, tuyên truyền. Mặt khác, anh em trong đội thường xuyên tới nhà đối tượng thăm hỏi, chuyện trò. Nhưng không phải đối tượng nào cũng sẵn sàng hợp tác và chịu nghe. Trung úy Bùi Ngọc Đông kể, nhiều khi gặp những đối tượng như thế anh em trẻ hay tỏ ra chán nản. Anh em trong đội vừa phải động viên nhau, vừa nghiêm túc rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh. Anh em rút ra phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tuyên truyền, vận động đối tượng. Nói như Thượng sĩ Rơ Chăm Đoar: “Họ tỏ ra không thân thiện, hợp tác thì mình phải giải thích.
 
Lần này chưa hiểu thì lần sau lại giải thích tiếp”. Rơ Chăm Đoar kể thêm, tới nhà những đối tượng khó khăn, thỉnh thoảng anh lại mua khi gói bánh, gói kẹo cho trẻ con, lúc bì cá khô, gói bột ngọt, chai nước mắm. Cũng có khi anh em quyên góp quần áo để tặng gia đình đối tượng khó khăn. Chính tấm lòng chân thành cùng sự giúp đỡ vô tư đã cảm hóa được nhiều đối tượng. Như trường hợp Ksor Jơn (bôn Sô Ma Rơn, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện). Từng là chấp sự trưởng “Tin lành Đê-ga” ở xã, trong các đợt biểu tình năm 2001 và 2004, Ksor Jơn đều tích cực tham gia. Năm 2004, Ksor Jơn bị bắt và bị đưa đi cải tạo đến năm 2009 thì được tha về. Nhận thấy cuộc sống của Ksor Jơn khó khăn, cha mẹ già yếu, con cái còn nhỏ, anh em trong đội hướng dẫn Ksor Jơn vay vốn để làm ăn. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình Ksor Jơn đến nay đã đỡ khó khăn hơn. Ksor Jơn dần hiểu ra chân tướng lừa bịp của cái gọi là “Nhà nước Đê-ga” mà bọn phản động lưu vong tô vẽ. Chẳng cần đợi ai nói, Ksor Jơn tự đem hiểu biết và những trải nghiệm của bản thân đi vận động bà con xung quanh. Sẵn là người có uy tín, Ksor Jơn đã thuyết phục được hơn chục hộ gia đình trong bôn Sô Ma Riơng đoạn tuyệt hẳn với “Tin lành Đê-ga”. Còn tính riêng trên địa bàn huyện Krông Pa, từ năm 2008 đến nay đã có khoảng trên 500 tín đồ từ bỏ “Tin lành Đê-ga”.

Song song với công tác tuyên truyền, vận động, trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đội công tác số 4 còn phối hợp với Công an các huyện, thị xã trên địa bàn quản lý, liên tiếp đấu tranh làm thất bại các âm mưu xây dựng lực lượng, tổ chức biểu tình, bạo loạn do các thế lực phản động lưu vong chỉ đạo. Như hồi đầu năm 2010, qua công tác trinh sát, đội phát hiện đối tượng Siu Hiơk (bôn Chroh Pơnan A, xã Chroh Pơnan) đang đi lập danh sách các đối tượng từng bị Công an bắt và các đối tượng bị giam giữ. Qua đấu tranh, Hiơk khai nhận, hắn làm theo sự chỉ đạo của các đối tượng bên ngoài. Từ lời khai đó, ta đã phát hiện một bộ khung ngầm cấp vùng (từ đèo Chư Sê tới đèo Tô Na), 1 khung cấp xã và 2 khung cấp làng của bọn phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga”, bóc gỡ 25 đối tượng cốt cán do Rơ Mah Thuk (bôn Sô Ma Hang A, xã Ia Peng) cầm đầu, đưa vào diện quản chế, giáo dục tại địa phương. Ngoài ra, vào các thời điểm tháng 8-2008 và tháng 3-2010, ta cũng đã kịp thời phát hiện và làm thất bại âm mưu biểu tình ở các huyện: Krông Pa, Ia Pa và Phú Thiện…

Để có được những chiến công trên mặt trận an ninh chính trị ở các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh, các cán bộ, chiến sĩ của Đội công tác số 4 đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, anh em trong đội đều xác định chấp nhận gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo đã tin tưởng giao phó, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn.

Theo Báo Gia Lai