Lợi nhuận ngân hàng tăng cao nhưng bất ổn

28/07/2011 07:51 AM


6 tháng đầu năm 2011, tín dụng bị siết chặt và diễn biến lãi suất không mấy thuận lợi, song lợi nhuận của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn tăng cao. Nhưng bên cạnh sự bất ổn và tiềm ẩn rủi ro cũng đang hiện hữu ngay trong kết quả kinh doanh ấn tượng đó.

6 tháng đầu năm 2011, tín dụng bị siết chặt và diễn biến lãi suất không mấy thuận lợi, song lợi nhuận của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn tăng cao. Nhưng bên cạnh sự bất ổn và tiềm ẩn rủi ro cũng đang hiện hữu ngay trong kết quả kinh doanh ấn tượng đó.
 
 
Ngay từ đầu năm, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn như lạm phát tăng cao, tín dụng bị hạn chế… nhưng kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh vẫn rất khả quan. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 312 tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 72,4% cả năm 2010.
 
 
Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Đạt được kết quả đó, các NHTM đã có nhiều cố gắng trong công tác huy động vốn để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cá nhân. Tốc độ tăng trưởng vốn huy động tăng gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng, nhờ đó mà đến nay nguồn vốn huy động tại chỗ đã đáp ứng được xấp xỉ 50% tín dụng đầu tư trên địa bàn. Đây là tiền đề quan trọng để các NHTM chủ động nguồn vốn và cải thiện thu nhập.
 
 
Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu thì thấy lợi nhuận của các NHTM chủ yếu là do chênh lệch lãi suất, trong khi lãi suất huy động bị khống chế ở mức 14%/năm, nhưng trần lãi suất cho vay đã được cởi bỏ. Cụ thể, lãi suất cho vay đẩy lên mức khá cao (bình quân từ 18% đến 19%/năm đối với lĩnh vực sản xuất và từ 20% đến 21%/năm đối với phi sản xuất, thậm chí mức lãi suất cao nhất lên đến 26%/năm). Vì vậy dù các NHTM có “lách luật” để huy động với mức lãi suất cao hơn 14% thì mức chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra vẫn có khoảng cách lớn. Mặc dù dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng 15,4% nhưng thu nhập từ hoạt động tín dụng đã tăng đến 58,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
 
Hiện nay tín dụng vẫn là kênh mang lại nguồn thu chủ yếu trong cơ cấu lợi nhuận của các NHTM trên địa bàn tỉnh. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm đóng góp đến 96,4% tổng thu nhập. Nghĩa là, những nỗ lực của ngành ngân hàng nhằm tăng dần tỷ lệ thu nhập từ các hoạt động dịch vụ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cụ thể hiện nay, tỷ trọng thu nhập ngoài tín dụng rất khiêm tốn, chỉ 3,6% trong tổng thu nhập, giảm đến 2,4% so với năm 2010.
 
 
Do hoạt động chủ yếu dựa vào tín dụng nên lợi nhuận của các NHTM thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, khi mà hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không mấy thuận lợi nên nợ xấu có chiều hướng tăng cao. Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh tỉnh Gia Lai, tính đến cuối tháng 6-2011, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn là 419 tỷ đồng, chiếm 1,69% tổng dư nợ, tăng 10% so với cuối năm 2010, trong khi tín dụng chỉ tăng 2,7%, cho thấy chất lượng tín dụng đang gia tăng rủi ro.
 
 
Hoạt động ngân hàng từ nay đến cuối năm được dự báo là chưa hết khó khăn, khi mà lãi suất đầu vào chưa giảm theo biến động của lạm phát, nên lãi suất đầu ra cũng chưa thể giảm được. Với lãi suất vay cao như hiện nay, rất ít ngành nghề sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao hơn để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nên những khách hàng làm ăn chân chính không thể chịu nổi mức lãi suất cao này, còn những khách hàng chấp nhận vay với bất cứ lãi suất nào thì ngân hàng cần phải xem xét lại, vì rủi ro không thu hồi được nợ là điều rất dễ xảy ra.
 
 
Để hạn chế rủi ro, nâng cao tính ổn định trong kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện lạm phát cao, chính sách tiền tệ thay đổi nhanh, khó lường như hiện nay, các NHTM cần nghiên cứu triển khai thêm nhiều loại hình dịch vụ mới để đa dạng hóa sản phẩm và đặc biệt là tăng nguồn thu ngoài tín dụng. Đồng thời, gia tăng nhiều tiện ích cho khách hàng, tiết kiệm tối đa chi phí để giảm mặt bằng lãi suất và áp dụng lãi suất cho vay ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp để cùng phát triển bền vững.

Theo Báo Gia Lai