Gia Lai: Đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ

25/07/2011 10:04 AM


Ngay từ đầu năm 2011, Sở Giao thông-Vận tải đã triển khai đồng bộ các giải pháp kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống lụt bão của ngành Giao thông; kiểm tra tình trạng cầu, đường, xác định “điểm đen” thường chịu tác động tiêu cực trong mùa mưa bão để tiến hành các biện pháp khắc phục.

Ngay từ đầu năm 2011, Sở Giao thông-Vận tải đã triển khai đồng bộ các giải pháp kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống lụt bão của ngành Giao thông; kiểm tra tình trạng cầu, đường, xác định “điểm đen” thường chịu tác động tiêu cực trong mùa mưa bão để tiến hành các biện pháp khắc phục.
 
Nổi bật trong danh sách “điểm đen” được xác định chính là tỉnh lộ 665 thuộc địa bàn huyện Chư Prông. Đoạn đường tỉnh lộ 665 được đầu tư thảm nhựa hơn 7 km; vài chục km còn lại là đường đất với đặc trưng dốc, lõm nên khả năng xảy ra ách tắc mùa mưa là rất lớn. Để khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông-Vận tải đang chỉ đạo đẩy nhanh việc vét lầy, xử lý hệ thống thoát nước, đắp lại mặt đường, khơi rãnh ngang đoạn đường Km 4+500 và Km 32-Km 46 không để nước chảy trên đường gây xói lở mặt đường. Yêu cầu đơn vị thi công hồ chứa thủy lợi Ia Mơr có phương án đảm bảo giao thông đoạn Km 47-Km 50; kiểm tra thường xuyên các vị trí bulong, cáp treo, đặc biệt là vị trí hố neo của cầu Ia Mơr.

 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Không chỉ tỉnh lộ 665, trên quốc lộ 25, tỉnh lộ 661, 662, 666, 667, 670B cũng có 12 đoạn đường được xếp vào “điểm đen” sẽ chịu tác động tiêu cực trong mùa mưa bão. Trong 12 điểm dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bão lụt, gây ách tắc lưu thông đã được xác định, thì tỉnh lộ 666 và 661 chiếm 6 điểm; quốc lộ 25 với 2 điểm và 4 điểm còn lại thuộc tỉnh lộ 665, 661, 667 và 670B. Qua khảo sát hiện trạng các đoạn xung yếu trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên, cơ quan quản lý dự báo khả năng tác động của mùa mưa sẽ gây úng ngập cục bộ ở mức dao động 0,2-2 mét. Từ dự báo này, Sở Giao thông-Vận tải đã lập danh sách cụ thể lý trình của từng đoạn đường bị úng ngập làm cơ sở các đơn vị trực thuộc nắm bắt thực hiện phần các việc khơi cống, rãnh trước trong mùa mưa tại các vị trí cục bộ như mặt đường bị xói lở, sình lầy, cầu, đường bị nước dềnh, nước dâng cao khi xuất hiện cơn mưa lớn. Đồng thời xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng trực 24/24 giờ trong thời gian đường bị ngập để làm nhiệm vụ chỉ dẫn cho người và các phương tiện tham gia giao thông; hạn chế tối đa mức thiệt hại về người và của do lụt bão gây ra.


Trên cơ sở xác định các đoạn đường xung yếu, Sở Giao thông-Vận tải cũng đã chỉ đạo Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý Sửa chữa Cầu đường Gia Lai triển khai biện pháp ngăn ngừa, phòng-chống, ứng phó diễn biến mùa lụt bão. Trước mùa mưa bão bắt đầu, cơ quan quản lý tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý những hạn chế tại các vị trí xung yếu để giảm thiểu tác động tiêu cực do mưa bão gây ra làm suy giảm độ an toàn cho hệ thống cầu, đường. Xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng trực vớt rác, cây trôi trong suốt mùa mưa để đảm bảo lưu thông dòng chảy, hạn chế úng ngập cục bộ dẫn đến ách tắc lưu thông. Tiếp nữa là tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng các tỉnh lộ bị sụt đất, cây đổ, ngầm cầu bị xói trôi sau mưa và các hư hỏng bất thường khác…

Song hành với phần việc kiểm tra, duy tu, sửa chữa, xác định “điểm đen” để xây dựng kế hoạch phòng-chống bão lụt, đến thời điểm này các cơ quan được giao trọng trách đảm bảo thông suốt lưu thông các tuyến đường trong mùa mưa bão đã dự phòng đủ cơ số vật tư, thiết bị, con người chủ động sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp mùa mưa bão năm nay.
 
 
 

Theo Báo Gia Lai