Ngành Ngân hàng đối diện khó khăn

18/07/2011 08:00 AM


Tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,7% trong khi 6 tháng cuối năm ngành Ngân hàng còn phải thực hiện nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.

Tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,7% trong khi 6 tháng cuối năm ngành Ngân hàng còn phải thực hiện nhiều chỉ tiêu quan trọng khác.

Tăng trưởng tín dụng thấp

Dư nợ cho vay trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,7% so với cuối năm 2010, hiện đạt 24.801 tỷ đồng, tăng 15,4% so cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,7% so cuối năm 2010. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn tăng 2,3%, trung dài hạn tăng 3,1%. Dư nợ cho vay bằng VND tăng thấp với 0,9%, ngược lại dư nợ cho vay bằng ngoại tệ tăng mạnh đến 55,1%.

Ông Điền Hoàng-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết: Tăng trưởng dư nợ khá khiêm tốn, dự kiến trong năm nay dư nợ chỉ tăng khoảng 10%, khả năng không thể đạt kế hoạch 17,5% như đã đề ra, khi mà nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, chỉ số lạm phát cao.

 
Quầy Giao dịch tại Ngân hàng Sacombank. Ảnh: K.N.B
Quầy Giao dịch tại Ngân hàng Sacombank. Ảnh: K.N.B
Trên thực tế, các chi nhánh ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn trong công tác đầu tư tín dụng. Huy động vốn của các ngân hàng cũng rất khó. Hầu hết các ngân hàng đều không thể ngồi nhìn khách hàng của mình chạy qua ngân hàng khác nên phải chấp nhận đua lãi suất, đẩy lên mức cao, bằng hoặc đưa ra ưu đãi hấp dẫn hơn để “giữ chân” khách hàng.


Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn huy động tại chỗ mới chỉ cân đối được gần 50% vốn tín dụng, phần còn lại các chi nhánh ngân hàng thương mại đều sử dụng nguồn vốn điều chuyển từ ngân hàng thương mại cấp trên với phí điều chuyển cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Lãi suất cho vay cũng từ đó mà nâng lên, bình quân khoảng 20%-21%/năm, mức cao nhất lên đến 26%/năm. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân thấy việc vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh không hiệu quả nên cũng dè dặt hơn. 

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Ngô Văn Đốc-Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Gia Lai: Lãi suất huy động cao đã đẩy lãi suất cho vay cao theo. Ngân hàng cho vay lãi suất nếu cao quá, khách hàng sẽ “bể”, hoạt động ngân hàng cũng không hiệu quả vì nợ xấu gia tăng. Chi nhánh có nhiều dự án nhưng phải tạm dừng, hạn chế cho vay các khoản trung, dài hạn đối với một số ngành, lĩnh vực. Hiện Chi nhánh đang rà soát lại, nếu thấy dự án không hiệu quả sẽ dừng cho vay và thu hồi vốn. Rõ ràng, cả khách hàng và ngân hàng đều gặp khó khăn ở thời điểm hiện nay.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Đức Phương-Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Gia Lai cho biết: Ngân hàng phải đảm bảo tính thanh khoản do đó không tăng trưởng tín dụng. Một mặt ngân hàng hạn chế tăng trưởng do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát. Nếu hệ số sinh lời của doanh nghiệp thấp trong điều kiện vay với lãi suất cao như hiện nay, chắc chắn doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn đang tập trung vốn cho nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giải quyết cơ bản yêu cầu sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Nợ xấu gia tăng

Đến ngày 30-6 nợ xấu là 420 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,69% trong tổng dư nợ. Vẫn giới hạn cho phép, tuy nhiên so với cuối năm 2010 đã tăng 10,1%. Một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% là Chi nhánh Ngân hàng Kỹ thương (6,91%), Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (3,15%).

Sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, nhiều dự án bất động sản xây dựng cầm chừng vì chi phí đầu vào quá cao, một số vụ vỡ nợ lớn trên địa bàn làm người vay mất khả năng thanh toán, thiên tai dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp… là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu. Có khả năng nợ xấu sẽ tới mức 2%/tổng dư nợ. Các ngân hàng đang tích cực rà soát, thu hồi các khoản vay đến hạn, thu hồi nợ đọng.

Theo Báo Gia Lai