Thiếu vốn chăm sóc rừng trồng

15/07/2011 08:07 AM


Những năm qua, Gia Lai đã trồng mới hàng trăm ngàn ha rừng phòng hộ, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc… Tuy nhiên gần đây, các Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) lại đối diện với tình trạng thiếu vốn chăm sóc rừng trồng. Điều này dẫn đến một thực tế diện tích rừng trồng phòng hộ bị thực bì xâm lấn mạnh dễ dẫn đến cháy rừng.

Những năm qua, Gia Lai đã trồng mới hàng trăm ngàn ha rừng phòng hộ, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc… Tuy nhiên gần đây, các Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) lại đối diện với tình trạng thiếu vốn chăm sóc rừng trồng. Điều này dẫn đến một thực tế diện tích rừng trồng phòng hộ bị thực bì xâm lấn mạnh dễ dẫn đến cháy rừng.

Kết thúc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Gia Lai đã trồng mới được 13.665 ha rừng phòng hộ, 34.659 ha rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh 7.188 ha, phần lớn đều đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Nhờ đó đã nâng cao độ che phủ của rừng lên 46%, bình quân mỗi năm tăng 0,3%/ năm. Phần lớn diện tích rừng trồng đều đảm bảo mật độ sống, góp phần hồi sinh những khu vực đất trống đồi trọc như: Khu vực đèo Mang Yang, đồi Phượng Hoàng, Hàm Rồng, các xã Tơ Tung (huyện Kbang), Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah)… Không chỉ góp phần nâng cao độ che phủ của rừng mà còn cải thiện đời sống của một bộ phận người dân sống gần rừng khi có 2.075 lao động tham gia nhận khoán bảo vệ với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/năm.

 
Dọn thực bì cho rừng trồng. Ảnh: Hồng Diệp
Dọn thực bì cho rừng trồng. Ảnh: Hồng Diệp
Nhiệm vụ trồng rừng đã mang lại những kết quả khả quan song việc chăm sóc cũng không kém quan trọng. Từ đầu năm đến nay, các Ban QLRPH trên địa bàn tỉnh không thể triển khai việc chăm sóc rừng trồng vì thiếu vốn khiến nhiều cây trồng bị thực bì xâm lấn. Tại Ban QLRPH Bắc Ia Grai đã có 200 ha rừng trồng năm 2010 tại các tiểu khu 286 và 299 xã Ia Krái đang có chiều hướng xấu khi chiều cao bình quân chỉ đạt 60-80 cm, trong khi thực bì đã cao 1,2-1,4 mét lấn chiếm trên 97% diện tích rừng trồng. Không những vậy, một số cây bị chết do không thể cạnh tranh dinh dưỡng với các loại cỏ tranh, lau, đót…


Tại Ban QLRPH Bắc An Khê, 176 ha rừng phòng hộ tại tiểu khu 601, 602 và 604 tại xã Hà Tam-huyện Đak Pơ cũng bị thực bì lấn chiếm cây trồng, cùng với việc chăn thả trâu, bò khiến cây chậm phát triển và chết…

Theo quy trình kỹ thuật, việc chăm sóc rừng trồng phải thực hiện phát chăm sóc 2 lần/năm. Lần đầu vào đầu mùa mưa nhằm hạn chế sự phát triển của thực bì chèn ép, lần hai vào cuối mùa mưa nhằm giảm khối lượng vật liệu dễ cháy. Đến nay vì thiếu vốn nên các Ban QLRPH chưa thể triển khai chăm sóc. Đây là điều đáng ngại bởi rừng phòng hộ chủ yếu là thông ba lá, rất cần ánh sáng, nếu không chăm sóc, trồng dặm và bảo vệ thì mật độ sống không đảm bảo và nguy cơ mất rừng là rất cao. Đặc biệt, nếu xảy ra tình trạng cháy thì thiệt hại là rất lớn.

Trồng và chăm sóc bảo vệ rừng luôn đi song hành với nhau. Nếu không có những biện pháp bảo vệ tốt thì nguy cơ mất rừng trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Theo Báo Gia Lai