Từ Đà Lạt nghĩ về Pleiku

20/06/2011 07:43 AM


Đà Lạt và Pleiku là hai thành phố trên Tây Nguyên có khá nhiều điểm tương đồng. Đó là độ cao so với mặt biển đều trên dưới 1.000 mét, địa hình đồi dốc và cả độ “tuổi” cũng không chênh lệch nhau là mấy. Do vậy lẽ ra về quy hoạch và kiến trúc đô thị cũng phải có sự tương đồng thế nhưng hai thành phố này lại có sự trái ngược nhau…

Đà Lạt và Pleiku là hai thành phố trên Tây Nguyên có khá nhiều điểm tương đồng. Đó là độ cao so với mặt biển đều trên dưới 1.000 mét, địa hình đồi dốc và cả độ “tuổi” cũng không chênh lệch nhau là mấy. Do vậy lẽ ra về quy hoạch và kiến trúc đô thị cũng phải có sự tương đồng thế nhưng hai thành phố này lại có sự trái ngược nhau…
 
 
Trong bài có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp. Ảnh: Thanh Phong
Một góc Đà Lạt.  Ảnh: Thanh Phong
Đà Lạt được Pháp chú ý từ cuối thế kỷ XIX nhưng phải đến năm 1906 Thị trưởng đầu tiên của thành phố là Paul Champoudry mới thiết lập đồ án tổng quát kèm theo dự án chỉnh trang và phân lô cho thành phố tương lai. Có thể kể ra một số công trình kiến trúc tiêu biểu cho thành phố như: Hotel du Langbian Palace xây dựng năm 1916; Trường Cao đẳng Sư phạm (Grand Lycée Yersin) khởi công năm 1927, hoàn thành năm 1935, được Hội Kiến trúc sư thế giới công nhận là một trong 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế kỷ XX; ga Đà Lạt là ga duy nhất của Việt Nam được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia, do hai kiến trúc sư người Pháp- Moucet và Reveron thiết kế và chỉ huy thi công, khởi công năm 1932 hoàn thành năm 1936; chợ Đà Lạt xây dựng năm 1958 hoàn thành năm 1960 do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế sau đó kiến trúc sư Nguyễn Viết Thụ có tham gia chỉnh trang về quy hoạch và kiến trúc; ngoài ra còn có các công trình khác như: Dinh I (Văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại trước kia), Dinh II (Biệt thự nghỉ mát của Toàn quyền Decoux), Dinh III (Dinh Bảo Đại), nhà thờ Chánh tòa (nhà thờ Con Gà, xây năm 1942)…
 
 
Đà Lạt là đô thị duy nhất ở Việt Nam được quy hoạch bài bản ngay khi hình thành, điểm đặc biệt trong quy hoạch là các nhà thiết kế luôn quan tâm đến cảnh quan và bố cục trong không gian thẩm mỹ của thành phố. Các công trình kiến trúc tiêu biểu nêu trên đều chọn bố cục tổng thể theo hình khối nằm ngang ổn định, gắn kết chặt chẽ với địa hình và hòa hợp với thiên nhiên, có cơ sở thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và điều kiện sinh hoạt của cư dân trong thành phố. Nói cách khác kiến trúc của Đà Lạt là biết dựa vào môi trường thiên nhiên hiện hữu, nhẹ nhàng nép mình vào khung cảnh chung, gắn kết với mặt đất, địa hình của địa điểm và khu vực xung quanh.
 
 
Từ trên cao nhìn xuống thành phố những ngọn đồi nhấp nhô, những nóc nhà lô nhô trông thật đẹp và đặc sắc. Đà Lạt còn là thành phố hoa, với lợi thế về nhiệt độ quanh năm mát mẻ, thành phố đầu tư trồng hoa trên các ngả đường. Tuy nhiên những năm gần đây tình trạng xây dựng trái phép không quy hoạch vẫn diễn ra ảnh hưởng tới mỹ quan thành phố nên vào năm 2010, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã mời các kiến trúc sư của Viện Thiết kế Quy hoạch Đô thị Paris và một công ty thiết kế quy hoạch của Pháp thực hiện lại quy hoạch Đà Lạt.
 
 
Pleiku có độ cao và địa hình khá giống Đà Lạt nhưng tốc độ phát triển khá nhanh về dân cư và công trình xây dựng. Gần đây nhiều công trình kiến trúc quy mô mọc lên như: Khách sạn, Hội sở và chung cư Hoàng Anh Gia Lai, chung cư Đức Long Gia Lai, khu nhà liên cơ quan tỉnh… nâng thành phố lên một tầm cao mới. Tuy nhiên trong quá trình phát triển đô thị nếu như Đà Lạt biết giữ và phát huy ưu thế về địa hình, về không gian thì Pleiku đã bị phá vỡ. Những ngọn đồi nhấp nhô ở khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám, Công viên Diên Hồng, khu Trà Đa, đường Nguyễn Văn Cừ lẽ ra khi xây dựng nhà ở phải dựa vào địa hình để thiết kế, thi công thì người ta lại san ủi cho bằng phẳng, nhà xây xong lọt thỏm vào vách đồi cứ như ở trong đường hầm.
 
 
Đã vậy kiểu dáng cũng không thống nhất, chỗ này nhà Thái, chỗ kia nhà ống, chỗ lại như nhà thờ đạo Hồi với các hình khối chóp nhọn chĩa thẳng lên trời (kể cả biển số nhà cũng không thống nhất, cái màu xanh trắng, cái lại màu đỏ)… Các khoảng trống dọc đường phố thì bị lấn chiếm buôn bán, quảng cáo, làm mất mỹ quan đô thị, trong khi đó ở Đà Lạt người ta trồng kín các loại hoa dọc đường đi. Cây trồng đường phố cũng không thống nhất, có nơi trồng cả bàng, hoa sữa là những loài cây hoàn toàn không phù hợp với Pleiku.
 
 
Sở dĩ có tình trạng như nêu trên là do TP. Pleiku không được quy hoạch từ khi bắt đầu xây dựng, chưa được chỉnh trang khoa học và bài bản với tầm nhìn nhiều thập niên. Trong một khía cạnh nhỏ, kiến trúc còn thể hiện văn hóa, lịch sử và tình cảm của cư dân thành phố. Tuy đã muộn song vẫn còn kịp để các cơ quan có trách nhiệm chỉnh sửa những nét lỗi, những điều “không giống ai” trong kiến trúc của Pleiku, nhằm bảo vệ và khai thác những nét riêng của thành phố như sương mù, buôn làng, đồi bát úp, đường phố dốc… để làm tôn lên vẻ đẹp của nơi mà nhiều thế hệ người Pleiku dẫu có đi đâu xa vẫn luôn tự hào mình là “người của Phố núi mù sương”…

 

Theo Báo Gia Lai