Nâng cao tính năng động và tiên phong trong năng lực cạnh tranh

08/06/2011 07:17 AM


Đánh giá về tăng trưởng kinh tế những năm qua, vốn đầu tư toàn xã hội của Gia Lai liên tục tăng bình quân 30%/năm. Tỷ trọng vốn đầu tư của nhân dân năm 2005 là 40%, đến năm 2010 là 56%. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai lại liên tục sụt giảm, và hiện đang xếp thứ 50/63 tỉnh thành cả nước.

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế những năm qua, vốn đầu tư toàn xã hội của Gia Lai liên tục tăng bình quân 30%/năm. Tỷ trọng vốn đầu tư của nhân dân năm 2005 là 40%, đến năm 2010 là 56%. Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai lại liên tục sụt giảm, và hiện đang xếp thứ 50/63 tỉnh thành cả nước.
 
 
Các chỉ số tăng, thứ hạng vẫn sụt giảm
 
 
So với năm 2009, năm nay, Gia Lai có 3/9 chỉ số thành phần tăng điểm. Trong đó, tăng nhiều nhất là chỉ số chi phí không chính thức với 6,01 điểm (tăng hơn 1 điểm); tiếp theo là chỉ số tiếp cận đất đai với 6,69 điểm (tăng 0,77 điểm) và chỉ số đào tạo lao động tăng 0,52 điểm (4,79 điểm). Điểm đáng nói là tuy điểm một số chỉ số của tỉnh tăng nhưng chậm hơn so với các tỉnh khác nên thứ hạng của các chỉ số này rất thấp.
 
 
Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy
Đơn cử, điểm của chỉ số đào tạo lao động (tức chỉ số đo lường thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng cho người lao động, hỗ trợ các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm) tăng, năm 2009, Gia Lai đứng thứ 51/63 thì đến năm 2010, lùi xuống… 56/63. Hơn nữa, chỉ có 20,43% trong tổng số doanh nghiệp dân doanh được khảo sát trên địa bàn công nhận số lao động được đào tạo bởi các cơ quan nhà nước tại địa phương cung cấp đạt tốt hoặc rất tốt (đứng thứ 50/63 tỉnh thành); chỉ gần 32,7% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng lại nhà cung cấp dịch vụ giới thiệu việc làm…
 
 
Năm 2010, điểm chỉ số PCI tỉnh Gia Lai là 53,65 điểm, xếp thứ 4/5 trong khu vực Tây Nguyên, sau Lâm Đồng (58,26 điểm), Đak Lak (57,2 điểm), Kon Tum (57,01 điểm). Xét cả 4 năm, chỉ số PCI Gia Lai liên tục sụt giảm, từ vị trí 27 năm 2006, thứ 30 năm 2007, thứ 38 năm 2008 và thứ 43 năm 2009. 2 năm (2006-2007) Gia Lai có điểm số PCI cao hơn điểm trung vị của cả nước; những năm 2008, 2009 thấp hơn điểm trung vị.
 
 
Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh
 
 
So với năm 2009, chỉ số PCI Gia Lai năm 2011 giảm 2,36 điểm. Đáng chú ý là một số thành phần thấp hơn mức trung bình cả nước, thậm chí… đội sổ như chi phí về thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước, tức thời gian doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan nhà nước của địa phương thực hiện việc thanh-kiểm tra.
 
 
Ở chỉ số này, Gia Lai đạt 4,47 điểm, xếp thứ 63/63 tỉnh, thành. Kế đến là chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (các hoạt động như tổ chức xúc tiến thương mại cho khu vực tư nhân, cung cấp thông tin kinh doanh cho doanh nghiệp, dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh và các dịch vụ công nghệ…) giảm từ 4,91 xuống còn 4,51 điểm; chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin giảm từ 5,83 điểm xuống còn 5,62…
 
 
Đặc biệt, chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh ta liên tục sụt giảm suốt 4 năm qua. Nếu năm 2007, ở chỉ số này, Gia Lai đạt 5,86 điểm thì đến năm 2008 giảm xuống 5,71 điểm và đến năm 2009 giảm còn 5,48. Năm 2010, chỉ số này chỉ đạt… 3,12 điểm, xếp thứ 61/63 tỉnh thành (trong khi điểm của tỉnh cao nhất là Vĩnh Phúc với 8,08 điểm).
 
  
Theo những người đứng đầu các doanh nghiệp dân doanh, đây là chỉ số rất quan trọng, nó đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách của Trung ương cũng như đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nhân bày tỏ mong muốn những người đứng đầu chính quyền địa phương cần mạnh dạn hơn nữa, dám nghĩ dám làm trong quá trình thực hiện chiến lược điều hành, phát triển kinh tế-xã hội, đánh thức mọi tiềm năng của tỉnh.
 
 
Nói về vấn đề này, tại Hội thảo “PCI năm 2010 và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Gia Lai năm 2011” vừa mới diễn ra tại TP. Pleiku, theo ông Phùng Ngọc Mỹ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài việc tạo các điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động như đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí gia nhập thị trường; nâng cao chất lượng đào tạo nghề và dịch vụ giới thiệu việc làm; đề xuất chiến lược dài hạn để đào tạo lao động có chất lượng, có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý còn chú trọng tạo sự thông thoáng trong việc tiếp cận đất đai, duy trì tính ổn định trong việc sử dụng đất…
 
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh sẽ nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, địa phương trong công tác quản lý, điều hành để cải thiện vị trí đang gần áp chót của chỉ số này như hiện nay.
 
10 chỉ số thành phần trong tính PCI gồm: Chính sách phát triển kinh tế tư nhân; tính minh bạch; đào tạo lao động; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo; chi phí thời gian để thực hiện quy định của Nhà nước; thiết chế pháp lý; ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước; chi phí không chính thức; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí gia nhập thị trường.
Về cơ bản, chỉ số PCI qua các năm có thể xem là “tập hợp tiếng nói” của các doanh nghiệp dân doanh, là đánh giá và đo lường khả năng điều hành kinh tế của tỉnh từ góc độ đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng có thể coi là thước đo khách quan để đánh giá tác động của những cải cách kinh tế và hành chính của tỉnh.

Theo Báo Gia Lai