Nâng cao thu nhập cho nông dân

07/06/2011 07:31 AM


Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng thì tiêu chí nâng cao thu nhập bình quân đầu người là quan trọng nhất. Cụ thể hóa chỉ tiêu này, cơ quan chuyên môn và các địa phương đã và đang xây dựng giải pháp nhằm tăng thu nhập cho nông dân; trong đó nông nghiệp giữ vai trò chính.

Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới gồm 19 tiêu chí. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng thì tiêu chí nâng cao thu nhập bình quân đầu người là quan trọng nhất. Cụ thể hóa chỉ tiêu này, cơ quan chuyên môn và các địa phương đã và đang xây dựng giải pháp nhằm tăng thu nhập cho nông dân; trong đó nông nghiệp giữ vai trò chính.
 
 
71,4% tổng dân số của tỉnh Gia Lai hiện nay sống ở vùng nông thôn, thu nhập chính phải dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc hoạch định giải pháp trước mắt và lâu dài thúc đẩy nông nghiệp phát triển là việc làm hết sức cần thiết đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Ông Nguyễn Xuân Hùng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Chư Pưh, cho biết huyện đã xác định giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân là phát huy tối đa thế mạnh nông nghiệp của địa phương. Theo đó quy hoạch cơ cấu cây trồng ngắn và dài ngày theo hướng tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh cây trồng bền vững để đầu tư có trọng tâm và kiểm soát dịch bệnh. Cơ quan chuyên môn sẽ rà soát diện tích cây trồng chủ lực là hồ tiêu, cà phê già cỗi để triển khai kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cải tạo, trồng xen cây bóng mát vườn hồ tiêu… Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng ngắn ngày phù hợp với nhu cầu của thị trường. Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huyện đầu tư vào cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở chế biến nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm.
 
 
Định hình vùng chuyên canh cây trồng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu hút đầu tư phát triển cơ sở chế biến nông sản tại chỗ… được xác định là giải pháp căn cơ nâng cao thu nhập cho nông dân. Thực tế, giải pháp tăng thu nhập cho nông dân và giá trị lợi nhuận từ sản xuất nông-lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản đã được cấp ủy đảng đưa vào Nghị quyết cấp mình, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân bằng 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân chung của tỉnh theo quy định của tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cụ thể hóa mục tiêu “2 trong 1” này, huyện Chư Pah đã xây dựng đề án nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, vật nuôi.
 
 
Theo đó, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển 4 vùng chuyên canh cây trồng ngắn-dài ngày đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện thông qua; khảo nghiệm và chuyển giao giống cây trồng mới; đẩy mạnh cơ giới hóa khâu làm đất, chế biến bảo quản nông phẩm rút ngắn thời gian lao động, chi phí đầu tư, giảm tổn thất sau thu hoạch cho nông dân. Đầu tư củng cố, xây dựng mới công trình thủy lợi giúp nông dân mở rộng diện tích cây trồng ngắn ngày. Nâng tỷ lệ heo hướng nạc, bò lai. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách nông nghiệp, thủy lợi của huyện. Tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng để mở rộng sản xuất…
 
 
Ông Kpă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, nói: Sở đã xây dựng các nhóm giải pháp chỉ đạo phát triển nông nghiệp, từng bước nâng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cho nông dân. Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp dựa trên quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh để xây dựng giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn nông dân lựa chọn cây, con phù hợp. Nhóm giải pháp chủ lực nhằm tăng thu nhập cho nông dân là đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giống mới; công nghệ chế biến, nhân rộng phương pháp tưới nước tiết kiệm. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản.
 
 
Dự báo tốt thị trường tiêu thụ để xây dựng chiến lược và tầm nhìn từ 5 năm đến 10 năm, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng. Đầu tư hạ tầng cơ sở, dịch vụ nông thôn đảm bảo lưu thông hàng hóa, nhất là các vùng sản xuất tập trung cao su, cà phê, mía, mì, cây lâm nghiệp. Huy động nguồn lực đóng góp của nông dân, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển…
 
 
 

Theo Báo Gia Lai