Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu công nghiệp, thương mại, xuất khẩu

12/05/2011 07:39 AM


Ngày 28-8-1945, tức 4 ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945), Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên cáo về nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế Quốc gia (tiền thân của ngành Công nghiệp và Thương mại Việt Nam).

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Ngày 28-8-1945, tức 4 ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945), Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên cáo về nội các thống nhất quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế Quốc gia (tiền thân của ngành Công nghiệp và Thương mại Việt Nam).
 
Đến ngày 26-11-1946, tại quê hương cách mạng Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 220/SL thành lập Bộ Kinh tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau 5 năm, đến ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương.
 
Sau đó qua nhiều lần điều chỉnh, ngày 2-10-2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14-5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công thương Việt Nam”. Như vậy, đến nay ngành Công thương Việt Nam đã trải qua 6 thập kỷ hình thành, xây dựng và phát triển.
 
 
Đối với Gia Lai, qua 60 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và lao động ngành Công thương đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng tỉnh nhà phát triển.
 
 
Sau nhiều lần tách nhập, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ, Sở Công thương tỉnh Gia Lai được thành lập theo Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 7-4-2008 của UBND tỉnh Gia Lai “Về việc thành lập Sở Công thương trên cơ sở hợp nhất Sở Công nghiệp với Sở Thương mại-Du lịch; đồng thời chuyển chức năng Du lịch của Sở Thương mại-Du lịch vào Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch”.
 
 
Đóng gói sản phẩm cao su xuất khẩu. Ảnh: K.N.B
Đóng gói sản phẩm cao su xuất khẩu. Ảnh: K.N.B
Sau 25 năm đổi mới và 17 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa VII (tháng 7-1994) của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một chặng đường có nhiều biến động, đối với một tỉnh Tây Nguyên nhiều khó khăn thách thức, ngành Công thương Gia Lai được sự quan tâm của Bộ Công thương, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức-người lao động, ngành Công thương Gia Lai đã có những đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2006-2010 GDP bình quân hàng năm tăng 13,6%.
 
 
Trong đó, tỷ trọng nông-lâm nghiệp 39,84%, công nghiệp-xây dựng 32,08%, thương mại-dịch vụ 28,07%. Các chủ thể tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh công nghiệp và thương mại tăng nhanh về số lượng và chất lượng, đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.674 doanh nghiệp, trong đó hoạt động công nghiệp là 536, hoạt động thương mại là 1.138; số hộ cá thể hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp và thương mại là 22.987, trong đó hoạt động công nghiệp là 5.026, hoạt động thương mại là 17.961.
 
 
Về giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp (giá cố định 1989) năm 1976 toàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum chỉ đạt 10,1 tỷ đồng, năm 1980 đạt 14,7 tỷ đồng, năm 1985 đạt 28 tỷ đồng, năm 1990 đạt 31,6 tỷ đồng. Giai đoạn 1991-1995, sau khi tách tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum, năm 1991 đạt 35,6 tỷ đồng, năm 1995 đạt 61,1 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của giai đoạn này đạt 14,4%.
 
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Đặc biệt giai đoạn 2006-2010, tỉnh quan tâm chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng; tổng giá trị sản xuất công nghiệp của giai đoạn này đạt 15.945,5 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 28%. Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nguồn thủy năng (đứng thứ 2 trong cả nước), đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 5 công trình thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư đã đưa vào hoạt động với tổng công suất 1.668 MW, 27 công trình thủy điện vừa và nhỏ do các chủ đầu tư thuộc các thành phần kinh tế đầu tư đã đưa vào hoạt động với tổng công suất 132,555 MW, hàng năm cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 4.700 triệu kWh điện.
 
 
Đến năm 2010, ngành công nghiệp điện có tổng giá trị 1.844,6 tỷ đồng, chiếm 38% trong tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp tỉnh. Công nghiệp chế biến cũng phát triển mạnh, sớm hình thành nhiều vùng cung cấp nguyên liệu nông sản lớn, tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp tập trung, người dân có thu nhập cao và ổn định; hình thành các nhà máy chế biến có công suất lớn như nhà máy chế biến cao su, cà phê, hồ tiêu, gỗ tinh chế, tinh bột mì, đường. Đến năm 2010 ngành công nghiệp chế biến đạt tổng giá trị là 2.815,5 tỷ đồng và chiếm đến 57,9% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
 
 
Về thương mại, tổng mức bán lẻ xã hội năm 1976 chỉ đạt 34 triệu đồng và sau 5 năm (1980) mức tăng không đáng kể, chỉ đạt 143 triệu đồng. Thời kỳ 1985 đến năm 1990, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng trưởng nhanh, nếu như năm 1985 chỉ đạt 332 triệu đồng thì đến năm 1990 đạt đến 322 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 1991 là 382 tỷ đồng, năm 1995 đạt 832 tỷ đồng và đến năm 2000 là 1.627 tỷ đồng. Giai đoạn 2001 đến 2005, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 13.010,98 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 23,4%.
 
 
Giai đoạn 2006 đến năm 2010, hình thành hệ thống kinh doanh, phân phối hàng hóa có chất lượng như: Trung tâm thương mại, siêu thị phát triển; hệ thống mạng lưới chợ được phân bố tương đối đều, hiện toàn tỉnh có 75 chợ hoạt động phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân trong tỉnh và có 5 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại- dịch vụ, với tổng số 544 xã viên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn này đạt 41.526,96 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 27,9%.
 
 
Hoạt động xuất khẩu của tỉnh cũng sớm hình thành và phát triển. Năm 1985 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai-Kon Tum là 1,4 triệu rúp và đến năm 1990 đạt 4,2 triệu rúp; thị trường xuất khẩu của giai đoạn này chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa. Hoạt động xuất-nhập khẩu từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu năm 1991 đạt 4,207 triệu USD, năm 1995 đạt 15,1 triệu USD và năm 2000 đạt 64,537 triệu USD. Giai đoạn 2001-2005, các chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng được mở rộng, đặc biệt là khu vực tư nhân (có 38 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, trong đó có 25 doanh nghiệp tư nhân), thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 34 quốc gia trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu của giai đoạn này đạt 175,4 triệu USD.
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2006-2010 đạt được mục tiêu đề ra: Năm 2006 kim ngạch xuất khẩu đạt 48,27 triệu USD thì đến năm 2010 đạt 208,16 triệu USD và tốc độ tăng bình quân đạt 44,1%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước là 16,6%. Hoạt động kinh doanh xuất khẩu giai đoạn này có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp có quy mô, uy tín tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu như: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah; các công ty 72, 74, 75 thuộc Binh đoàn 15-Bộ Quốc phòng.
 
 
Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh được quan tâm đầu tư xây dựng, hiện có một số công trình đã đưa vào sử dụng. Quan hệ trao đổi hàng hóa trên tuyến biên giới giữa Gia Lai và Campuchia tương đối thuận lợi và giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng qua các năm. Kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trong 5 năm gần đây (2006-2010) thực hiện đạt 80,7 triệu USD, nhập khẩu đạt 56,97 triệu USD. Trong đó, các doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu ước đạt 27,605 triệu USD, nhập khẩu đạt 9,41 triệu USD.
 
 
Các cơ quan hành chính thuộc ngành được củng cố về tổ chức và cán bộ, công nhân viên không ngừng nâng cao về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay có 189 công chức, viên chức. Trong đó, Văn phòng Sở 41 người, Chi cục Quản lý Thị trường 131 người và Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại 17 người. Về trình độ chuyên môn: Đại học 151 người, cao đẳng và trung cấp 28 người. Các tổ chức đảng, đoàn thể được quan tâm xây dựng đạt vững mạnh về mọi mặt. Đến nay, Đảng bộ Sở Công thương có 2 chi bộ, 1 đảng bộ bộ phận và 4 chi bộ trực thuộc Đảng bộ bộ phận với tổng số 97 đảng viên trong toàn Đảng bộ và 2 chi đoàn Thanh niên trực thuộc với 61 đoàn viên; Công đoàn ngành có 17 tổ chức Công đoàn cơ sở trực thuộc với 1.230 đoàn viên.
 
 
Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Sở Công nghiệp, Sở Thương mại-Du lịch Gia Lai được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Cờ thi đua của Chính phủ, của các bộ ngành Trung ương, của UBND tỉnh và đều được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Đặc biệt năm 2010 ngành Công thương Gia Lai được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì (tại Quyết định số 1194-QĐ/CTN ngày 5-8-2010).
 
 
Những thành tựu mà ngành Công thương Việt Nam, Công thương Gia Lai đạt được trong 60 năm xây dựng và phát triển là kết quả tổng hợp của sự đóng góp liên tục các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức-người lao động ngành Công thương. Kế thừa những truyền thống của ngành trong 6 thập kỷ qua, cán bộ, công chức, viên chức-người lao động thuộc ngành Công thương Gia Lai không ngừng phấn đấu vươn lên, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, sản xuất, kinh doanh để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về công nghiệp, thương mại, xuất khẩu; thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010-2015).
 
 
Huỳnh Ngọc Tục (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương)

Theo Báo Gia Lai