Gia Lai: Quan tâm quy hoạch khu- cụm công nghiệp

28/04/2011 07:44 AM


Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên 15.536,92 km2, dân số hơn 1,2 triệu người, có 34 dân tộc cùng sinh sống. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính gồm 14 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Đặc biệt, Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia nên có cơ hội để mở rộng giao thương.

Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên 15.536,92 km2, dân số hơn 1,2 triệu người, có 34 dân tộc cùng sinh sống. Toàn tỉnh có 17 đơn vị hành chính gồm 14 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Đặc biệt, Gia Lai nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia nên có cơ hội để mở rộng giao thương.
 
 
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Gia Lai đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Với lợi thế về nguồn tài nguyên đất để phát triển vùng nguyên liệu như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, mía, mì, bắp… là điều kiện cần thiết để thúc đẩy, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông-lâm sản phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây cũng là một trong những vùng đất rất giàu tài nguyên về khoáng sản như: Đá vôi, đá bazan, đá puzơlan, granite, sắt, chì, vàng và nhiều loại đá quý... có nhiều triển vọng để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng.
 
 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Ngoài ra với hệ thống các sông lớn là Sê San, sông Ba và nhiều sông suối, cộng với địa hình dốc đã tạo ra một nguồn thủy năng lớn có thể khai thác xây dựng nhiều công trình thủy điện với quy mô vừa và lớn cùng với hàng trăm công trình thủy điện nhỏ…; Gia Lai cũng là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Bên cạnh những lợi thế đó, tỉnh đã có nhiều chính sách thông thoáng, cơ chế mở cửa, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư.
 
 
Việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang được tỉnh quan tâm triển khai. Một số khu công nghiệp đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào phát triển và tăng trưởng kinh tế tại địa phương. Theo ông Lê Vinh-Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai thì việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được tính toán kỹ lưỡng, có tầm nhìn xa, ổn định và bền vững; trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp có lợi thế như: Chế biến, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phục vụ sản xuất và chế biến các sản phẩm nông-lâm nghiệp có lợi thế của tỉnh; sản xuất phân bón, thức ăn gia súc...
 
 
Một trong những khu công nghiệp điển hình tại địa bàn tỉnh là Khu Công nghiệp Trà Đa-TP. Pleiku với quy mô 120 ha đã đi vào hoạt động và đã lấp đầy 100% diện tích. Hiện nay đang triển khai giai đoạn II với quy mô mở rộng thêm 50 ha. Khu Công nghiệp Tây Pleiku cũng đã quy hoạch và được phê duyệt, hiện đang giới thiệu vị trí cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Pleiku có cụm tiểu thủ công nghiệp Diên Phú với quy mô 35 ha. Các huyện, thị xã còn lại đều có quy hoạch cụm công nghiệp với quy mô từ 15 ha đến 30 ha.
 
 
Một trong những khu kinh tế tiềm năng của tỉnh là Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Đặc biệt từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động chính thức quốc lộ 78 đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, kết nối miền Trung Thái Lan, Đông Bắc Campuchia với vùng Tây Nguyên Việt Nam nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Đây là cơ hội lớn để phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương và cũng là mảnh đất màu mỡ cần các nhà đầu tư khai phá.
 
 
Ông Nguyễn An Trường- Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định Xây dựng Gia Lai cho biết: “Việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Định hướng quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có tầm nhìn chiến lược lâu dài và việc quy hoạch này dựa vào thế mạnh, tiềm năng của Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng”.

Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về công nghiệp là khá rõ. Trong khi nội lực vẫn chưa thể vực dậy được tiềm năng thế mạnh của mình thì rất cần đòn bẩy ngoại lực tác động vào. Hiểu được điều đó, ngoài những chính sách chung thì tỉnh Gia Lai đã có những chính sách riêng, thiết thực để thu hút đầu tư. Và những tiềm năng này vẫn đang chờ được “đánh thức”.

Theo Báo Gia Lai