Gia Lai: “Sức nóng” hồ tiêu

20/04/2011 07:19 AM


Giá hồ tiêu năm nay tăng cao đã tạo nên một “hiệu ứng dây chuyền” khiến một bộ phận người dân đổ xô chặt bỏ cây cà phê để trồng hồ tiêu. Theo đó, hàng chục hộ nông dân xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai), đang mở rộng việc chặt bỏ diện tích cà phê để trồng mới cây hồ tiêu trên diện rộng.

Giá hồ tiêu năm nay tăng cao đã tạo nên một “hiệu ứng dây chuyền” khiến một bộ phận người dân đổ xô chặt bỏ cây cà phê để trồng hồ tiêu. Theo đó, hàng chục hộ nông dân xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai), đang mở rộng việc chặt bỏ diện tích cà phê để trồng mới cây hồ tiêu trên diện rộng.
 
 
Cà phê mất ngôi
 
 
Chỉ với đoạn đường chưa đầy 5 km trên địa bàn thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông), nhiều vườn cà phê bị chặt phá nham nhở, thay vào đó là những bãi đất trống đang được người dân dọn dẹp để chuẩn bị trồng cây hồ tiêu.
 
 
Tại vườn cà phê đã bị phá bỏ gần một nửa diện tích, anh Trần Đình Thân (thôn Ia Mua)- một nông dân đã gần 40 năm gắn bó với cây cà phê, cho biết: “Vụ này nhà tôi thu hoạch được bốn tấn cà phê, bán với giá 40 triệu đồng/tấn, trừ chi phí đầu tư thì chẳng còn lại bao nhiêu. Vất vả vậy nhưng giá cả thì bấp bênh. Tôi tính phá cà phê dần để trồng hồ tiêu”.
 
 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Không riêng gia đình anh Thân mà hầu như những hộ nông dân trên địa bàn xã Bàu Cạn cũng đồng loạt phá cây cà phê để trồng hồ tiêu. Trung bình mỗi hộ gia đình phá bỏ từ 200 cây đến 500 cây cà phê trên diện tích của mình. Dự tính, nếu phá bỏ 200 cây cà phê thì họ sẽ thay vào đó 100 trụ hồ tiêu. Theo quan sát, diện tích cà phê bị phá bỏ không phải vì nó đã già cỗi, hết chu kỳ khai thác, mà vì trồng hồ tiêu sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cây cà phê.
 
 
Anh Nguyễn Quân, ở thôn Ia Mua cho biết: “Sở dĩ, chúng tôi đang phá cà phê với quy mô nhỏ là vì chưa đủ kinh phí đầu tư để trồng mới hồ tiêu đại trà. Nếu có đủ vốn, chúng tôi sẽ làm trên diện rộng”.
 
 
Trên thực tế, người dân không còn đặt nhiều niềm tin vào cây cà phê như trước đây, họ đang hy vọng ở sự thay thế của hồ tiêu trong tương lai.
 
 
Hồ tiêu được nhân rộng
 
 
Tính đến nay, giá hạt tiêu tại Gia Lai đã lên tới 110.000 đồng/kg. Đây được coi là mức tăng khá mạnh. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo, giá hạt tiêu có thể lên đến 120.000-130.000 đồng/kg. Giá tiêu tăng đột biến đã giúp cho nhiều nông dân hồ tiêu Gia Lai phấn khởi. “Sức nóng” của loại cây này đang lan mạnh trên địa bàn xã Bàu Cạn, khiến nhiều hộ nông dân không ngần ngại phá bỏ cà phê để trồng hồ tiêu.
 
 
Vườn tiêu gia đình chị Hồ Thị Hợi (xã Bàu Cạn) năm nay có 100 trụ, thu hoạch được gần 3 tạ. Nếu tính với giá tiêu hiện nay, vườn tiêu của chị đã thu về hơn 30 triệu đồng. Theo chị, tiêu dễ làm, dễ thu hoạch và dễ bảo quản hơn cà phê rất nhiều. Hiện giờ, gia đình chị cũng đang trồng thêm hồ tiêu trên diện tích cà phê đã bị phá bỏ. Cũng như gia đình chị Hợi, hộ nông dân Trần Văn Phúc cũng đang gấp rút phá bỏ cây ăn quả như mít, bơ và một diện tích lớn cà phê để nhân rộng hồ tiêu. Anh Phúc cho biết: “Nếu biết trước giá tiêu tăng cao như hiện nay thì cách đây mấy năm, tôi đã phá hết cà phê để trồng tiêu”.
 
 
Dù đất canh tác khan hiếm nhưng nông dân vẫn ào ạt mở rộng diện tích hồ tiêu với quy mô rộng. Ước tính, nếu trồng mới 1 ha tiêu thì phải cần tới 300 triệu đồng tiền vốn. Đây đang là vấn đề khó khăn đối với người dân trong việc nhân rộng cây hồ tiêu.
 
 
Diện tích hồ tiêu trồng mới ngày càng lan rộng, cây hồ tiêu đang dần khẳng định thế đứng của nó. Thế nhưng, giải pháp chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang hồ tiêu cũng đang là một thử thách lớn đối với nông dân.

Theo Báo Gia Lai