Đại đoàn kết dân tộc- Lời hiệu triệu làm nên sức mạnh Việt Nam

18/04/2011 09:57 AM


65 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19-4-1946). Đó là thời điểm dân tộc ta đang đứng trước muôn vàn khó khăn, phải gồng mình đối phó với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

65 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19-4-1946). Đó là thời điểm dân tộc ta đang đứng trước muôn vàn khó khăn, phải gồng mình đối phó với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.
 
Đọc lại những dòng thư Bác viết năm xưa, chúng ta không khỏi xúc động và tự hào. Trong những năm tháng khó khăn ấy, Người vẫn luôn dành một tình cảm sâu sắc và sự tin tưởng vô hạn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam, Tây Nguyên nói riêng. Một bức thư ngắn gọn, chỉ trên 300 chữ, nhưng có giá trị như một bài hịch hiệu triệu, khích lệ tinh thần, dũng khí đấu tranh của đồng bào các dân tộc. Tư tưởng xuyên suốt của bức thư là tư tưởng đại đoàn kết, chung sức, chung lòng. Hai lần Bác nhắc đến từ đoàn kết và rất nhiều từ, cụm từ có nghĩa tương tự để khẳng định rằng đoàn kết, đại đoàn kết chính là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh vô biên của dân tộc, đất nước, “đoàn kết ắt thành công”.
 
 
Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu
Người viết “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”, đó là cội nguồn ruột thịt có từ trong câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 đứa con trong bọc trứng, là truyền thống tương thân tương ái của đồng bào các dân tộc. “Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”- một lời kêu gọi chân tình, giục giã, đã làm nóng trái tim yêu nước của biết bao thế hệ người Việt Nam lúc bấy giờ, nhất là lớp lớp thanh niên, nông dân, trí thức là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngày ấy. Họ đã tin Bác Hồ, theo Đảng làm cách mạng, như các ông: Nay Đe, Nay Phin, Rơ Chăm Thép, Ksor Ní, Ksor Krơn, Anh hùng Núp, Anh hùng Wừu… ở tỉnh Gia Lai, ông Y Ngông Niê Kđam ở tỉnh Đak Lak.... Hơn ai hết, Bác hiểu giành được độc lập đã khó, giữ được chính quyền non trẻ còn khó hơn. Chính vì vậy, chỉ có đoàn kết các dân tộc mới làm nên sức mạnh to lớn vượt qua khó khăn, thử thách của đất nước, Người khuyên các dân tộc “Phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau”.
 
Cuối thư, cùng với lời chúc Đại hội thành công và lời chào thân ái, Người viết: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”. Lời khẳng định ấy đã trở thành tuyên ngôn, động lực cho những chiến công oanh liệt, hào hùng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và tư tưởng ấy được nâng lên thành chân lý của thời đại, đó là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
 
Và hôm nay, tư tưởng đại đoàn kết vẫn tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, 38 dân tộc anh em trong tỉnh đang tích cực đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, đảm bảo công bằng xã hội, an ninh chính trị, nâng cao tinh thần cảnh giác chống lại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, một lòng hướng về Đảng và Bác Hồ.
 
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được đặt tại Gia Lai đang trong quá trình thi công là minh chứng rõ nét nhất cho tình cảm, sự tri ân, kính phục sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác và sự tin tưởng, khích lệ của Bác đối với đồng bào Tây Nguyên. Trên cơ sở tư tưởng đại đoàn kết Bác gửi gắm trong bức thư gửi Đại hội mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai đã thống nhất đổi tên quảng trường của tỉnh thành Quảng trường Đại Đoàn Kết để xứng tầm với tượng đài Bác Hồ đặt tại đây và hơn hết là cái tên ấy mang một ý nghĩa nhân văn, thời đại, trường tồn với thời gian như những lời dặn của Bác mãi được khắc ghi trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
 
 
Phan Xuân Vũ (Giám đốc Sở VH-TT và DL Gia Lai)

Theo Báo Gia Lai