Một phụ nữ Jrai vượt lên số phận

13/04/2011 07:59 AM


Trong ngôi nhà sàn khang trang, đầy đủ tiện nghi, chị Ksor H’Im trú tại thôn Glung B, xã Ia Ke (huyện Phú Thiện) cười tươi cho biết: Có được cuộc sống như ngày hôm nay là niềm hạnh phúc lớn đối với một người đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả như chị.

Trong ngôi nhà sàn khang trang, đầy đủ tiện nghi, chị Ksor H’Im trú tại thôn Glung B, xã Ia Ke (huyện Phú Thiện) cười tươi cho biết: Có được cuộc sống như ngày hôm nay là niềm hạnh phúc lớn đối với một người đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả như chị.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, ký ức tuổi thơ của Ksor H’Im là cảnh thiếu đói triền miên, bữa cơm chỉ toàn lá mì. Mới 5, 6 tuổi, cha mẹ của chị đã rủ nhau “về” với ông bà, bỏ lại đàn con bơ vơ. Ở lứa tuổi lẽ ra chỉ biết đi học, chị phải đi làm mướn để kiếm từng bữa ăn.

Năm 23 tuổi, Ksor H’Im “bắt” chồng. Chị đã làm việc quần quật nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng. Giận là chồng chị suốt ngày nhậu nhẹt, say xỉn và kiếm cớ mắng chửi, đánh đập chị. Khi chị sinh đứa con đầu lòng được 2 tháng, anh ta đã bỏ nhà ra đi. Ôm đứa con còn đỏ hỏn vào lòng, Ksor H’Im khóc hết nước mắt. Chị đã địu con ra đồng. Đứa trẻ khát sữa cứ khóc ngằn ngặt trên vai mẹ.

 
Chị Ksor H’Im chăm chỉ lao động.  Ảnh: T.V
Chị Ksor H’Im chăm chỉ lao động. Ảnh: T.V
Sau nhiều năm làm lụng chăm chỉ, Ksor H’Im đã tích cóp mua được 1 sào lúa nước, những tưởng cuộc sống của hai mẹ con chị sẽ đỡ khổ hơn. Năm 2003, chị gái của Ksor H’Im chết. Nhìn hai đứa cháu sinh đôi khóc ngất do thiếu hơi mẹ, lòng Ksor H’Im đau như cắt. Theo phong tục của người Jrai, khi chị gái chết, em gái phải lấy anh rể. Nhưng Ksor H’Im đã từ chối “nối dây”, và nhận nuôi hai đứa cháu mồ côi. Chị tâm sự: “Thời gian đó mình phải chịu rất nhiều áp lực từ phía gia đình, dòng họ, cũng may làng thương hoàn cảnh nên không phạt”.


  Một mình nuôi 3 con nhỏ là một việc không dễ dàng đối với Ksor H’Im. Những đêm đông giá rét, bốn mẹ con phải co ro ôm lấy nhau để chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt. Thương hoàn cảnh của Ksor H’Im, một thanh niên cùng làng tên Rơ Mah Hét đã âm thầm giúp đỡ chị. Tình cảm nảy nở, anh chị nên vợ nên chồng rồi 2 đứa con tiếp tục chào đời. Nhưng 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào một sào ruộng nước nên cuộc sống càng túng bấn...

Không đành lòng nhìn đàn con thiếu đói, năm 2006, chị H’Im vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện được 5 triệu đồng để mua một con bò sinh sản. Thời gian đầu chưa biết cách chăm sóc nên con bò cứ bệnh tật, nhiều lần suýt chết. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của Hội Phụ nữ xã Ia Ke, sau một năm con bò của chị đã đẻ lứa đầu tiên. Từ một con bò, giờ đây chị có cả một đàn bò gần 10 con. “Tháng trước mình vừa bán 3 con bê lấy tiền mua cái máy xới đấy”- chị Ksor H’Im khoe.

Chị tiếp tục vay 10 triệu đồng mua 1 sào ruộng, 2 ha đất trồng mì và nuôi heo. “Nhờ cán bộ xã hướng dẫn nên ruộng nhà mình thu hoạch khá lắm. Chỉ với 2 sào lúa, gia đình mình đã đủ gạo ăn rồi, chưa kể thu nhập từ rẫy mì và đàn heo, đàn bò. Giờ đây, với phương pháp gieo sạ, mỗi năm trồng 2 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch gần 1 tấn lúa/sào”- chị Ksor H’Im hồ hởi nói. Từ một hộ thuộc diện nghèo nhất, nhì xã Ia Ke, gia đình chị Ksor H’Im thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm, những đứa con của chị đều được đến trường. Chị Ksor H’Im cười: “Đời mình đã khổ, đã thất học rồi, nên không muốn con cái phải khổ, phải thất học như mình”.

Không những làm kinh tế giỏi, chị Ksor H’Im còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể. Chị đã giúp đỡ những phụ nữ trong thôn kinh nghiệm làm ăn lẫn tài chính để cùng phát triển kinh tế gia đình. Chị Phyơh, ở thôn Glung B nhìn nhận: “Chị Ksor H’Im nhiệt tình lắm, hễ ai cần giúp đỡ gì là chị có mặt ngay. Năm ngoái, gia đình mình gặp khó khăn, chị Ksor H’Im cho lúa để ăn, gặt lúa giúp và hướng dẫn cách nuôi heo, nuôi bò”.

Theo Báo Gia Lai