Người dân Gia Lai: Chung một nỗi lo… tăng giá

04/04/2011 09:10 AM


Sau khi quyết định tăng giá điện, xăng dầu được chính thức công bố, tâm lý chung của rất nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng là những trăn trở, nỗi lo thường trực, họ phải suy nghĩ làm sao để đảm bảo quá trình sản xuất, đi lại và mức sinh hoạt hàng ngày.

Sau khi quyết định tăng giá điện, xăng dầu được chính thức công bố, tâm lý chung của rất nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng là những trăn trở, nỗi lo thường trực, họ phải suy nghĩ làm sao để đảm bảo quá trình sản xuất, đi lại và mức sinh hoạt hàng ngày. Dẫu biết nền kinh tế nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn song việc tăng giá điện, xăng dầu trong thời gian vừa qua, nhất là giá xăng tăng liên tục càng khiến đời sống của đại đa số dân nghèo thêm vất vả.

 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Điện sinh hoạt tăng giá ảnh hưởng chi tiêu gia đình, vốn đã quá khó khăn cho đại đa số người bình dân, giới có thu nhập từ thấp tới trung bình. Trong khi đó, các doanh nghiệp dù sản xuất hay kinh doanh, đều nhìn thấy trước sự ảnh hưởng mang tính dây chuyền, mà hậu quả của nó chưa thể lường hết được. Vì vậy đã có nhiều doanh nghiệp trong cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng chỉ cho nhà máy của mình hoạt động cầm chừng vì nhiều yếu tố cộng hưởng như: Thiếu điện, thiếu nước, xăng dầu, giá nguyên vật liệu tăng…
 
Ai cũng biết, việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu là cần thiết. Tuy nhiên, tăng giá phải tính đến việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bởi điện, xăng dầu là những vật tư đầu vào của tất cả các ngành kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến phản ứng tăng giá dây chuyền, bởi tỷ giá cũng vừa mới được điều chỉnh và giá xăng dầu cũng đã tăng lên. Thực tế đã chứng minh rằng, việc tăng giá điện, xăng dầu từ trước tới giờ luôn kéo theo tình trạng “tát nước theo mưa” để tăng giá của nhiều loại hàng hóa, từ mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh đến các loại hàng hóa khác. Dường như, việc giá điện, xăng dầu tăng lên sẽ là lý do “hợp tình, hợp lý” để các mặt hàng khác tăng theo.

Khi hỏi về điều này, chúng tôi được nghe nhiều ý kiến khác nhau trước tình trạng giá điện, xăng dầu tăng lên. chị Minh- một nhân viên bán bảo hiểm chia sẻ: “Chúng tôi đã quá quen với việc tăng giá các mặt hàng sau khi giá điện, xăng dầu tăng rồi. Là một người làm thuê, lương hàng tháng không được bao nhiêu vậy mà chỉ mới có chủ trương tăng giá điện, giá xăng dầu thì các hàng hóa đã lũ lượt tăng giá, không theo một quy định nào. “Điều nực cười nhất là khi mua con cá, mớ rau hay miếng đậu phụ, người nội trợ đều được các tiểu thương giải thích những thắc mắc chỉ bằng một câu ngắn gọn đó là: Do điện, xăng dầu tăng giá!”.

Chị Ngọc Hoa- nhân viên thu cước bưu điện phàn nàn: “Lương viên chức Nhà nước đã thấp lại thêm các đợt tăng giá liên tục khiến cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây cầm tiền đi chợ nhiều khi mua hàng cũng “thoáng”, giờ điện, xăng dầu, tiền thuê trọ, giá cả tăng theo nên mỗi ngày đi chợ tôi phải tằn tiện lắm mới đủ cho 5 miệng ăn. Lương tăng 1 mà giá tăng lên gấp 10 rồi… Không biết bao giờ, gia đình và bản thân công chức viên chức mới sống được bằng lương của mình. Thật khủng khiếp!”.

Anh Huệ- chuyên viên văn phòng than thở: “Lương tôi bậc 2 được hơn 2.400.000 đồng, ngoài ra không có khoản thu nào khác, chi tiêu tháng nào cũng âm. Nghĩ lại cũng buồn cười, mới hôm qua đi làm tôi còn ăn tô phở 17.000 đồng, sau một đêm tỉnh dậy đi ăn sáng vẫn chỗ hôm qua đã tăng lên 30.000 đồng rồi. Hỏi chủ quán vì sao thì tôi chỉ nhận được câu trả lời: Cậu thông cảm, xăng đã tăng thêm 2.000 đồng rồi… Vẫn đà tăng giá như thế này tôi tính đi làm bằng xe đạp cho tiết kiệm xăng và ăn sáng có lẽ cơm chiên hoặc mì tôm thì may chăng mới đủ”.

Em Nguyễn Thùy Trang- sinh viên Khoa Văn Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tâm sự: “Chủ nhà em trọ nắm bắt tình hình rất nhanh, chỉ cần nghe có chủ trương tăng giá điện, xăng dầu là ngay tức khắc đã thông báo đến cả xóm trọ là tháng sau sẽ tăng tiền nhà. Em thuê phòng trước đây 600.000 đồng, thông báo mới là tháng sau lên 800.000 đồng; còn tiền điện thì tăng từ 2.500 đồng lên 4.000 đồng vì chủ nhà nói xăng lại tăng giá, giá cả cũng đắt đỏ nên phải tăng mới đủ trả tiền điện nước hàng tháng. Gia đình khó khăn, em phải đi làm thêm mới đủ trang trải”.

  Nói vậy để thấy giờ đây, dân công sở, doanh nghiệp, người đi làm thêm, công nhân, sinh viên… tất cả đều có chung một nỗi lo khi điện và xăng dầu tăng giá. Ai ai gặp nhau cũng than thở, lo lắng về việc chi tiêu, bảo đảm cho cuộc sống cá nhân và gia đình trong thời “bão giá”.

Theo Báo Gia Lai