Gia Lai: Xanh thẳm những cánh rừng nguyên liệu

31/03/2011 07:10 AM


Với mục tiêu vừa bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, vừa trồng mới trên những khu vực đất trống đồi trọc, những năm qua, các đơn vị trồng rừng và người dân nhận khoán đã trồng mới hàng ngàn ha rừng phòng hộ và sản xuất.

Với mục tiêu vừa bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, vừa trồng mới trên những khu vực đất trống đồi trọc, những năm qua, các đơn vị trồng rừng và người dân nhận khoán đã trồng mới hàng ngàn ha rừng phòng hộ và sản xuất. Trong đó, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998-2010 của Chính phủ không chỉ phát huy hiệu quả phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn cung cấp gỗ nguyên liệu cho các đơn vị trong và ngoài nước sản xuất giấy, ván sợi ép… phát huy lợi thế của địa phương.
 
 
Hồi sinh những cánh rừng phòng hộ   
 
 
Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn tại Tây Nguyên với 683.190 ha, đất có rừng 719.314 ha. Tuy nhiên, qua các cuộc chiến tranh và tình trạng phá rừng làm nương rẫy khiến diện tích rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng suy giảm về diện tích và độ che phủ. Năm 1997, Quốc hội khóa X đã thông qua Nghị quyết về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tại các tỉnh miền núi giai đoạn 1998-2010 và Quyết định 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng.
 
 
Rừng bạch đàn 3 năm tuổi của Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku (Kbang). Ảnh: Nguyễn Diệp
Rừng bạch đàn 3 năm tuổi của Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku (Kbang). Ảnh: Nguyễn Diệp
Mục tiêu chính là sử dụng hiệu quả diện tích đất trống đồi trọc, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân miền núi. Trong đó, trồng mới 2 triệu ha rừng phòng hộ, 3 triệu ha rừng sản xuất để cung cấp gỗ nguyên liệu sản xuất giấy, ván sợi ép…  đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm sản khác, thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
 
 
Tại tỉnh ta, dự án được thực hiện từ năm 1999 đến 2010 tại các Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH), Công ty Lâm nghiệp và người dân tham gia nhận khoán bảo vệ. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh cũng đã có những chính sách đầu tư, những giải pháp giúp các đơn vị tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Qua 12 năm triển khai, đến nay các đơn vị đã trồng được 13.678 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng mới 34.659 ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh 86.225 ha; khoán quản lý bảo vệ hàng trăm ngàn ha; đã có 1.712 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Các mục tiêu đều đạt và vượt trên 100% kế hoạch. Chất lượng rừng trồng, chăm sóc bảo vệ sau khi kết thúc giai đoạn cơ bản đều đảm bảo mật độ cây sống. Nhờ đó, những khu vực xung yếu, đất trống đồi trọc như: Đèo Mang Yang, đồi Phượng Hoàng (huyện Mang Yang), đồi Hàm Rồng (TP. Pleiku), các xã Tơ Tung (huyện Kbang), Ia Mơ Nông (Chư Pah)…  đã hồi sinh, nâng độ che phủ hàng năm lên 3,57%/năm...
 
 
Không những vậy, diện tích rừng giao khoán được các hộ gia đình, cộng đồng tham gia quản lý và bảo vệ rất tốt hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
 
Đến vùng chuyên canh gỗ nguyên liệu
 
 
Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn tỉnh không chỉ phát huy hiệu quả phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn hình thành những khu vực trồng  rừng cung cấp gỗ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất giấy, ván sợi ép...
 
 
Con số 34.659 ha rừng sản xuất mà các đơn vị và người dân thực hiện từ năm 1999 đến 2010, đã vượt xa con số theo kế hoạch dự án. Chính vì vậy, nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất gỗ nguyên liệu như: Khu vực các huyện Chư Pah, Kbang khai thác gỗ rừng tự nhiên, các huyện phía Đông, Đông Nam cung cấp gỗ  nguyên liệu với các loại cây như bạch đàn, keo lai… diện tích xấp xỉ 20.000 ha. Bình quân hàng năm khai thác từ 80.000 m3 đến 95.000 m3 gỗ rừng trồng cung cấp cho nhà máy MDF và các công ty chế biến gỗ tại Bình Định, mỗi năm thu về gần 35 tỷ đồng. Có thể nói, đây là một trong những tiềm năng lợi thế rất lớn của tỉnh (hiện diện tích chưa có rừng vẫn còn 152.331 ha).
 
 
Ông Kpă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Cùng với nhiều dự án trồng rừng khác, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả rất lớn, độ che phủ của rừng từng bước được nâng lên từ 43% lên 46%. Người dân sống gần rừng có thêm nguồn thu nhập từ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo.
 
 
Đặc biệt, diện tích rừng trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các đơn vị và người dân tham gia trồng, quản lý và bảo vệ. Hiệu quả kinh tế từ những vùng rừng nguyên liệu này, trong những năm tới (2011-2015) tỉnh sẽ tiếp tục trồng mới 16.000 ha rừng sản xuất; đưa một số loại cây như:  Xà cừ, lát Mehico, bạch đàn E.Urophylla, keo lai bằng mô, hom… vào sản xuất đại trà nhằm phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, đồng thời chống xói mòn, giảm nhẹ thiên tai…   

Theo Báo Gia Lai