Vườn Quốc gia Kông Ka King: Nơi hội tụ của tài nguyên sinh học

26/03/2011 11:13 AM


Vườn Quốc gia Kông Ka King (Gia Lai) được xác định là vùng rừng còn lưu giữ nhiều giá trị đa dạng sinh học. Sự hiện hữu của 41.780 ha, làm nên vùng Kông Ka King có thảm thực vật đặc trưng của rừng Tây Nguyên được cấu thành từ những cây rừng nguyên sinh với thực bì thảm tươi, ngoại tầng phong phú, kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng, cây lá kim.

Vườn Quốc gia Kông Ka King (Gia Lai) được xác định là vùng rừng còn lưu giữ nhiều giá trị đa dạng sinh học. Sự hiện hữu của 41.780 ha, làm nên vùng Kông Ka King có thảm thực vật đặc trưng của rừng Tây Nguyên được cấu thành từ những cây rừng nguyên sinh với thực bì thảm tươi, ngoại tầng phong phú, kiểu rừng hỗn giao cây lá rộng, cây lá kim.
 
Trong đó kiểu rừng lá rộng chiếm ưu thế với các loài cây thuộc họ: Dẻ, nguyệt quế, ngọc lan, chè, đỗ quyên… cùng nhiều họ thực vật vùng nhiệt đới xen cây hạt trần như: Thông nàng, hoàng đàn giả, thông tre, pơ mu, thông Đà Lạt phân bổ ở khu vực độ cao từ 1.300 mét trở lên.
 
Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Sự đa dạng của thảm thực vật tại Vườn Quốc gia Kông Ka King được tiếp tục khẳng định bằng con số 62 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam. Nổi bật có những loài thực vật phân bổ hẹp như ni lan tơi; phân bổ rất hẹp ở cao nguyên Kon Hà Nừng như móng rồng mỏ nhọn, dùi đục có mũi, cầu diệp sao; phân bổ ở Giải Trường Sơn Nam như thông Đà Lạt. Vẫn còn đó dưới tán rừng đại ngàn của Vườn Quốc gia Kông Ka King 34 loài thực vật quý hiếm như: Hồng quang, thông tre, sến mật, bách xanh, trầm hương, trắc, lan hài, sến mật, lông cu li, cốt toái bổ, sam bông… Đặc biệt, cơ quan quản lý vừa mới phát hiện ở vùng rừng Kông Ka King có sự hiện diện của một loài thực vật mới là đậu mèo có hạt rất lớn. Việc phát hiện ra cây đậu mèo tồn tại giữa Vườn Quốc gia Kông Ka King được xem là đối tượng thực vật mới cho các nhà khoa học nghiên cứu ghi nhận vào danh mục hệ thực vật Việt Nam.
 
 
Khu hệ quần thể động thực vật hiện có tại Vườn Quốc gia Kông Ka King cũng cực kỳ đa dạng. Theo số liệu điều tra của Phân viện Quy hoạch Rừng Nam Trung bộ và Tổ chức Bảo vệ các loài chim quốc tế tại Việt Nam đã ghi nhận vùng rừng Kông Ka King hiện có hơn 330 loài thú và chim quý. Trong đó có nhiều loài chim chỉ phân bổ đặc hữu hẹp ở vùng cao nguyên như: Khứu, hồng hoàng, gà lôi trắng… Đặc biệt, hai nhóm linh trưởng đại diện là chà vá chân xám, hai loài cu ly, khỉ mặt đỏ và khỉ đuôi lợn. Nhóm thú móng guốc với sự hiện diện của hai loài hiếm gặp là mang lớn và mang Trường Sơn. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Kông Ka King cũng là nơi quy tụ của nhiều loài bướm và loài thực vật cho gỗ, làm thuốc, cây cảnh và nhiều loài thực vật có giá trị quý hiếm khác nhưng vẫn chưa được nghiên cứu.
 
 
Hệ động thực vật đa dạng đã đặt công tác quản lý, bảo tồn, nghiên cứu làm phong phú thêm các giá trị sinh học tại Vườn Quốc gia Kông Ka King gắn với chiến lược phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng đang được cơ quan chủ quản triển khai. Giám đốc Vườn Quốc gia Kông Ka King Nguyễn Văn Hoan khẳng định: Để giữ gìn, phục hồi, phát triển hệ sinh thái rừng, lãnh đạo Vườn Quốc gia Kông Ka King triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học điều tra về loài lan rừng, loài khứu Kông Ka King mới được phát hiện, các loài cây quý hiếm. Quá trình điều tra nghiên cứu tập trung tìm hiểu đặc tính sinh thái, điều tra danh mục của các loại động thực vật… làm cơ sở xây dựng chiến lược bảo vệ.
 
 
Tiếp đến, xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng Động vật bán hoang dã đảm nhiệm công việc gây nuôi giống một số loài động vật như sóc, chồn, hươu, nai thả vào rừng, làm phong phú thêm hệ động vật rừng. Trong tương lai không xa, Trung tâm Nuôi dưỡng Động vật bán hoang dã sẽ được đầu tư, mở rộng quy mô trở thành Trung tâm Cứu hộ động vật khu vực Tây Nguyên. Tiếp đến, tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, ngăn chặn, đấu tranh với vấn nạn xâm hại nguồn đa dạng sinh học, chủ động triển khai kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng; tiến hành giao khoán, khoanh nuôi rừng cho nhân dân. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, trong đó ưu tiên tập trung vào nhóm đối tượng học sinh tại địa bàn. Quá trình tuyên truyền, đội ngũ cán bộ Vườn Quốc gia Kông Ka King đảm nhiệm công việc tự thiết kế nội dung bài giảng và trực tiếp lên lớp truyền đạt kiến thức bảo tồn giá trị sinh học cho học sinh các bậc học.
 
 
Trên cơ sở xác định các tuyến du lịch cơ bản như lộ trình vượt những tán rừng nguyên sinh đến vị trí cây thông ngàn năm tuổi, quan sát vọc chà vá chân xám; đứng tại mỏm đá trắng ngắm nhìn quang cảnh, sinh thái rừng…; lãnh đạo Vườn Quốc gia Kông Ka King đã định hình chiến lược xây dựng nhà cộng đồng, bố trí sa bàn Vườn Quốc gia Kông Ka King, tiêu bản hình ảnh đa dạng sinh học, động thực vật của vườn; hình thành hồ sinh thái, hệ thống nhà nghỉ theo kiểu thân thiện môi trường bao quanh hồ làm điểm xuất phát đi các tuyến du lịch; chọn làng đồng bào dân tộc thiểu số định cư gần Vườn Quốc gia Kông Ka King xây dựng làng du lịch theo hình thức du khách cùng ăn, cùng ngủ trong làng, tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống bản địa. Quá trình thực hiện lộ trình phát triển các tuyến du lịch trên, lãnh đạo Vườn Quốc gia Kông Ka King luôn rộng cửa chào mời các nhà đầu tư hợp tác đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống nhà nghỉ.

Theo Báo Gia Lai