Ngày hội di sản ở Chư Pah (Gia Lai)

22/03/2011 07:24 AM


Cả trăm nghệ nhân đến từ các buôn làng đã có cuộc hội ngộ ý nghĩa trong Hội diễn nghệ thuật cồng chiêng, tạc tượng huyện Chư Pah (Gia Lai) lần thứ III. Từ rất sớm, các đội cồng chiêng đã có mặt, sắc màu rực rỡ trong trang phục cùng những biến tấu độc đáo từ lá, rễ cây, mặt nạ xua đuổi tà ma... ngay từ những phút đầu Hội diễn đã rất ấn tượng đối với người xem.

Cả trăm nghệ nhân đến từ các buôn làng đã có cuộc hội ngộ ý nghĩa trong Hội diễn nghệ thuật cồng chiêng, tạc tượng huyện Chư Pah (Gia Lai) lần thứ III. Từ rất sớm, các đội cồng chiêng đã có mặt, sắc màu rực rỡ trong trang phục cùng những biến tấu độc đáo từ lá, rễ cây, mặt nạ xua đuổi tà ma... ngay từ những phút đầu Hội diễn đã rất ấn tượng đối với người xem.
 
 
Chiêng trẻ, chiêng già so tài
 
 
Tiết mục trình diễn mở màn “Mừng được mùa” của xã Ia Ke ngay lập tức làm “nóng” không gian bởi nhịp chiêng sôi nổi, vui tươi.
 
 
Trang phục độc đáo của diễn viên góp phần cho ngày hội thêm sắc màu, hấp dẫn người xem. Ảnh: Hoàng Ngọc
Trang phục độc đáo góp phần cho ngày hội thêm sắc màu, hấp dẫn người xem. Ảnh: Hoàng Ngọc
Những hồn hậu, mộc mạc trong đời sống được đưa lên sân khấu với sự cách điệu nghệ thuật, từ niềm háo hức “Đón khách”, “Mừng năm mới”, “Mừng cây nêu”, đến niềm vui bình dị trong lao động như “Đi hái rau”, hay tự hào trong “Ca ngợi Anh hùng Núp”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Mừng chiến thắng Chư Pah”… Nhịp chiêng có lúc trùng xuống khi niềm vui rộn rã thay cho sự xúc động trong “Cúng pơthi” (bỏ mả)... Các đội trình diễn trên sân khấu ngoài trời, quanh cây nêu thẳng vút trên nền trời xanh thẳm trong nắng tháng 3. Trên hàng ghế giám khảo, Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm thỉnh thoảng thốt lên “Tuyệt vời! Tuyệt vời”.
 
 
Trong số gần 600 diễn viên, nghệ nhân tham gia hội diễn, đội xã Hà Tây chiếm số lượng “áp đảo” khi có tới hai đội chiêng trẻ và già. Theo già làng, đó là sự tiếp nối truyền thống của nhiều thế hệ. Nếu đội chiêng già trình tấu những bài chiêng chỉnh chu thì các nghệ nhân “nhí” lại đầy phấn khích, ngẫu hứng. Cả hai chinh phục ngay cả các đội chiêng và nhận được nhiều sự cổ vũ.
 
 
Em Tham-thành viên của đội chiêng trẻ cho hay: “Để tham gia lễ hội, đội chiêng tập luyện liên tục suốt cả tháng trong các buổi tối. Ai cũng mong tới ngày này, không chỉ để trình diễn mà em còn rất háo hức muốn xem các đội khác trổ tài”.
 
 
Sau phần “thi thố”, phần “Dạ hội cồng chiêng” vào buổi tối mới thực sự lột tả hết chất nghệ sĩ và sự ngẫu hứng của các nghệ nhân… Âm thanh cồng chiêng, lửa trại, rượu cần… thăng hoa để lại nhiều lưu luyến sau buổi chia tay…
 
 
Cha- con nghệ nhân
 
 
Phần thi tạc tượng dù khá lặng lẽ với số lượng nghệ nhân khiêm tốn nhưng có sức hút đặc biệt. Sự tài hoa của mỗi nghệ nhân như “thôi miên” những ánh mắt. Từng khúc gỗ vô tri dần hiện hình qua mỗi bàn tay nghệ nhân, từng tượng gỗ như được thổi hồn qua từng chi tiết hoàn thiện. Mỗi tượng gỗ đều là một sự gửi gắm: Nghệ nhân Rơ Châm Hyĩh- xã Ia Ka đẽo tượng một người đàn ông đi thăm rẫy cùng những dụng cụ rựa, gùi, bầu nước; nghệ nhân Angưih-xã Hà Tây tạc một người đàn ông đánh trống; nghệ nhân Siu Avíu-xã Ia Kreng tạc tượng người ôm mặt buồn…
 
 
Cha-con nghệ nhân Đinh Bleh-Đinh Bliuh thổi hồn cho gỗ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cha- con nghệ nhân Đinh Bleh- Đinh Bliuh thổi hồn cho gỗ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cặp tượng gỗ “Mẹ cõng con” và “Cha đi rẫy” là sản phẩm của hai cha con nghệ nhân Đinh Bleh và Đinh Bliuh đến từ xã Ia Khươl. Đinh Bliuh cũng là nghệ nhân trẻ nhất cuộc thi, mới 26 tuổi. Anh cho biết: “Nhiều năm nay, cha tôi là nghệ nhân tạc tượng duy nhất của làng Tơ Ver. Theo cha từ nhỏ nên tôi học hỏi được cách đẽo tượng mà không cần cha dạy”. Còn nghệ nhân Đinh Bliuh tỏ ra hài lòng với sản phẩm của con trai: “Nó đẽo gần đẹp bằng mình rồi!”.
 
 
Anh Phạm Quang Ánh- cán bộ Văn hóa xã Ia Khươl cho biết: “10 năm làm trong ngành Văn hóa, tôi chưa từng gặp cặp cha con nào có phong cách hay đến thế, cũng ít gặp nghệ nhân nào có sự “cha truyền con nối” như cha con nghệ nhân Đinh Bleh. Những nghệ nhân trẻ như Bliuh giờ cũng hiếm dần”.
 
 
Ngoài ý nghĩa là một cuộc thi thố, đây còn là “cuộc chơi” giữa các nghệ nhân. Nghệ nhân Đinh Bliuh không giấu nỗi buồn: “Lâu lắm rồi mình mới có dịp “trổ tài” đẽo tượng. Nhiều năm nay, làng mình không tổ chức lễ bỏ mả nữa, các làng khác còn nghi lễ này nhưng thi đẽo tượng thì dường như không còn”.

Theo Báo Gia Lai