An Khê (Gia Lai): Phát triển công nghiệp và dịch vụ

19/03/2011 03:24 PM


Những năm gần đây, thị xã An Khê, Gia Lai đã có những bước tiến vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế. Trong đó, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ được xem là ngành trọng tâm và động lực để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa,chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương…

 
Những năm gần đây, thị xã An Khê, Gia Lai đã có những bước tiến vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế. Trong đó, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ được xem là ngành trọng tâm và động lực để thúc đẩy  quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa,chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn  lao động địa phương…

Thị xã An Khê được xác định là vùng động lực kinh tế của khu vực phía Đông tỉnh, với những lợi thế về vùng nguyên liệu sẵn có cùng sự góp sức về nguyên liệu của các địa phương lân cận. Những năm qua, thị xã An Khê đã không ngừng đổi mới cơ chế, trải thảm đỏ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông- lâm sản, chế biến khoáng sản và thương mại-dịch vụ.

 
Ảnh: Lê Anh
Ảnh: Lê Anh
Hiện nay, trên địa bàn thị xã An Khê có 86 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực. Nhiều nhà máy có quy mô lớn như: Nhà máy Đường An Khê, nhà máy MDF, Nhà máy chế biến tinh bột mì… Chỉ tính riêng ba nhà máy này hàng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh gần 50 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới khi quy mô hoạt động của các nhà máy được mở rộng.  


Chỉ tính riêng trong năm 2010, tổng giá trị sản lượng ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã đạt 570 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước đạt 456 tỷ đồng và khu vực ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nước ngoài đạt 114 tỷ đồng. Để thu hút các nhà đầu tư, thị xã An Khê đã đầu tư xây dựng cụm công nghiệp An Bình với diện tích 91 ha với hệ thống kết cấu hạ tầng thuận lợi. Ông Lê Thanh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: “Cùng với xu thế phát triển chung của kinh tế tỉnh nhà, thị xã luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn. Sự phát triển của công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ trong thời gian qua đã thúc đẩy nền kinh tế thị xã có những chuyển biến tích cực, đồng thời giải quyết được việc làm cho lao động trên địa bàn và các huyện lân cận…”.

Chính sự phát triển mạnh của công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đã làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của An Khê. Nhiều năm liền, thị xã đều duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 14%, giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng đạt 53,43%, nông- lâm nghiệp chiếm 14,2%.

Song hành với sự phát triển của công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, ngành thương mại-dịch vụ cũng đã có những bước phát triển ổn định. Hiện nay, thị xã An Khê đang là điểm dừng chân lý tưởng của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Tính đến thời điểm này, toàn thị xã có 7 ngân hàng và tổ chức tín dụng đang hoạt động hiệu quả, hàng năm đã giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng, đảm bảo nguồn vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất. Trên địa bàn thị xã có sự hiện diện của Nhà sách- Siêu thị Đông Gia Lai (Công ty cổ phần Văn hóa-Du lịch Gia Lai), Nhà sách Thành Nghĩa (Quảng Ngãi) và một hệ thống nhà hàng, khách sạn quy mô, hiện đại.  Trong những năm qua, giá trị sản xuất của ngành thương mại- dịch vụ luôn giữ ở mức ổn định. Năm 2010, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ đạt 492 tỷ đồng, tạo bước tiến đồng bộ trong sự phát triển chung của kinh tế thị xã. Chính sự phát triển nhanh của các ngành chủ lực trong cơ cấu kinh tế đã kéo theo bộ mặt thị xã phát triển, khi cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện để từng bước hình thành một đô thị hiện đại, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, khi những nhà máy, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ hoạt động có hiệu quả và đang có xu hướng mở rộng, nhu cầu lao động càng tăng cao. Do không đòi hỏi quá cao về trình độ, nên lao động nông thôn trên địa bàn đã bắt đầu có cơ hội làm quen với nhịp sống công nghiệp trong các nhà máy. Hiện nay, các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn thị xã An Khê đã giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định từ 1,8 triệu đồng/người/tháng đến 3,5 triệu đồng/người/tháng cho hơn 1.000 lao động địa phương. Vì thế cơ cấu lao động của thị xã đang chuyển dịch phù hợp theo hướng tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp. Những chương trình liên kết đào tạo nghề giữa các doanh nghiệp và trường dạy nghề đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm của người lao động. Không những thế, thị xã An Khê cũng đang trong quá trình hoàn thiện chiến lược thu hút nhân tài về phục vụ cho thị xã để tạo một đội ngũ trí thức trẻ làm tiền đề cho mục tiêu phát triển lâu dài.

Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng với sự lãnh đạo, điều hành kiên quyết, kịp thời, sáng suốt của cấp ủy và chính quyền địa phương, cùng với sự năng động của các doanh nghiệp đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ của thị xã An Khê. Một diện mạo mới của trung tâm kinh tế khu vực phía Đông tỉnh đã được hình thành và mục tiêu đưa thị xã An Khê lên thị xã loại III vào năm 2015 không còn quá xa.

Theo Báo Gia Lai