Huyện Kbang (Gia Lai) với công tác phổ cập giáo dục tiểu học

11/03/2011 07:30 AM


Những năm qua, sự nghiệp giáo dục của Kbang đã có sự phát triển đáng khích lệ. Trong đó, kết quả 10 năm thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đã gặt hái thành công rực rỡ. Để có được những thành công này là sự nỗ lực không ngại khó, ngại khổ của toàn ngành Giáo dục và trên hết là tình yêu thương và trách nhiệm của các thầy- cô giáo với học sinh nơi đây…

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục của Kbang đã có sự phát triển đáng khích lệ. Trong đó, kết quả 10 năm thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đã gặt hái thành công rực rỡ. Để có được những thành công này là sự nỗ lực không ngại khó, ngại khổ của toàn ngành Giáo dục và trên hết là tình yêu thương và trách nhiệm của các thầy- cô giáo với học sinh nơi đây…

Kbang là huyện còn gặp rất nhiều khó khăn, địa bàn rộng, dân cư không tập trung, giao thông liên lạc chưa thuận lợi, cùng với đó cơ sở vật chất còn nhiều bất cập, bên cạnh đó, huyện có hơn 60% là học sinh dân tộc thiểu số đời sống còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, đã trở thành rào cản làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phổ cập giáo dục của huyện.
 
 
Lớp học vùng sâu huyện Kbang. Ảnh: Lê Anh
Lớp học vùng sâu huyện Kbang. Ảnh: Lê Anh
Để mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) đúng độ tuổi đi đúng lộ trình, những năm qua, ngành Giáo dục huyện Kbang đã phân công các giáo viên kiên trì bám trụ tại các thôn làng xa xôi để tuyên truyền vận động, nâng cao tầm quan trọng về việc học cho phụ huynh và học sinh. Cùng với đó, bổ sung về cơ sở vật chất, trang- thiết bị dạy học và không ngừng chuẩn hóa về trình độ của giáo viên để kịp thời nâng cao chất lượng. Bà Vương Thị Hội-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kbang cho biết: “Câu chuyện về công tác phổ cập giáo dục của huyện chúng tôi không biết phải kể thế nào cho hết nỗi gian truân. Do tâm lý và ý thức của người dân hạn chế, đời sống khó khăn khiến việc học của các em chưa thực sự được gia đình quan tâm. Để thực hiện tốt mục tiêu, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà, vận động từng người. Nhiều khi, giáo viên còn phải bám làng hay lên tận rẫy để dạy các em”.

 
 
Chính sự kiên trì bám trụ của các thầy-cô giáo, nên tâm lý “cái  chữ không thể nào ăn được” của người dân đã dần được xóa bỏ. 10 năm thực hiện mục tiêu PCGDTH đúng độ tuổi của huyện Kbang đã cho quả ngọt đầu mùa. Tính đến thời điểm này, tổng số trẻ từ 6 đến 11 tuổi được PCGDTH là 8.123 em chiếm tỷ lệ hơn 98%, tỷ lệ huy động số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ trẻ 11 tuổi học xong tiểu học đạt 85,2%, số trẻ 11 tuổi còn lại đang học tiểu học đạt 14,83%. Đã có 14/14 xã, thị trấn được công nhận đạt PCGDTH đúng độ tuổi.
 
 
Dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng ngành Giáo dục huyện Kbang vẫn không ngừng đặt ra những mục tiêu mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở cấp tiểu học, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học. Tập trung huy động số học sinh đi học đúng độ tuổi hàng năm phải luôn đạt từ 95% đến 98%, tỷ lệ học sinh 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học hàng năm đạt từ 90% đến 95%.
 
 
Những thành công bước đầu, cùng với quyết tâm của toàn ngành và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sẽ giúp huyện Kbang từng bước hình thành một nền giáo dục phát triển toàn diện.

Theo Báo Gia Lai