Gia Lai: Náo nức ngày hội tư vấn mùa thi 2011

08/03/2011 07:35 AM


Chiều 6-3, chương trình tư vấn mùa thi 2011 do báo Thanh Niên phối hợp với Đài PT-TH, Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai tổ chức đã diễn ra tại Nhà Thiếu nhi tỉnh với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ các trường THPT trong tỉnh.

Chiều 6-3, chương trình tư vấn mùa thi 2011 do báo Thanh Niên phối hợp với Đài PT-TH, Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai tổ chức đã diễn ra tại Nhà Thiếu nhi tỉnh với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ các trường THPT trong tỉnh.

 
Học sinh nhận quà từ gian hàng tư vấn của trường ĐH Lạc Hồng (TP. Hồ Chí Minh) gồm 1 tờ báo Thanh Niên và 1 đĩa CD hướng dẫn ôn tập và luyện thi trắc nghiệm.
Học sinh nhận quà từ gian hàng tư vấn của trường ĐH Lạc Hồng (TP. Hồ Chí Minh) gồm 1 tờ báo Thanh Niên và 1 đĩa CD hướng dẫn ôn tập và luyện thi trắc nghiệm. Ảnh: P.D
Ngoài sự tham gia tư vấn của 50 trường ĐH, CĐ, THCN và các trung tâm đào tạo danh tiếng, chương trình tư vấn mùa thi (TVMT) 2011 tại Gia Lai lần này còn bố trí 15 gian hàng tư vấn trực tiếp của một số trường ĐH, CĐ; đi kèm  các gian hàng này là thông tin cần thiết về mã trường, tên ngành, chỉ tiêu, điểm chuẩn, tỷ lệ chọi… Đến với chương trình sau 2 giờ đi xe đò từ huyện Ia Pa, em Rcom Khom, lớp 12B1-trường THPT Phan Chu Trinh, cho biết: “Ở Ia Pa tụi em rất thiếu thông tin về tuyển sinh, chỉ có thể tìm hiểu qua sách báo chứ không có điều kiện tìm hiểu qua Internet. Do vậy, đến với buổi tư vấn em thấy tự tin hơn khi chọn ngành”.


Băn khoăn chọn trường, chọn nghề

Trước giờ diễn ra chương trình chính thức, tại gian hàng của Trung tâm đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech Việt Nam, rất nhiều học sinh đã hào hứng tham gia phần trắc nghiệm chọn nghề cho tương lai- một yếu tố hết sức quan trọng mà không phải học sinh nào cũng dễ dàng định hướng. Gian hàng của trường ĐH Lạc Hồng (TP. Hồ Chí Minh) cũng được học sinh chen chân ghé thăm vì là nơi duy nhất phát tặng miễn phí báo Thanh Niên kèm 1 CD hướng dẫn ôn tập và luyện thi trắc nghiệm. Tại gian hàng của trường ĐH Kinh tế- Luật (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), TS. Trần Thanh Long- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ Doanh nghiệp- cho biết, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, đã có gần 250 học sinh đến tìm hiểu thông tin về trường và nhờ tư vấn, đa số các em quan tâm đến những ngành rất “nóng” hiện nay như: Tài chính ngân hàng, Kế toán, Kinh tế đối ngoại, Luật kinh doanh… Em Nguyễn Thị Ngọc Thảo- lớp 12B2, trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku)- vui vẻ nói: “Em đến tham gia ngày hội tư vấn để được hiểu thêm và chọn trường chính xác”.

 
Một học sinh đặt câu hỏi về những băn khoăn trong việc chọn trường, chọn nghề.
Một học sinh đặt câu hỏi về những băn khoăn trong việc chọn trường, chọn nghề. Ảnh: P.D
Bước vào chương trình chính thức, rất nhiều cánh tay giơ lên mong được giải đáp trực tiếp những thắc mắc về việc làm hồ sơ, chọn trường. Nhà báo Quang Minh Nhật- Báo Thanh Niên, MC chương trình,  bày tỏ hy vọng: “Mong rằng chương trình sẽ mang đến cho các em học sinh tỉnh Gia Lai những thông tin bổ ích về tuyển sinh. Nếu còn những thắc mắc mà chương trình chưa giải đáp kịp thời, các em có thể gửi câu hỏi đến Báo Thanh Niên, Thanh Niên Online hoặc nhờ các anh chị từ Báo Gia Lai”.
 
Nhà báo Minh Nhật cùng đại diện một số trường cũng đã hướng dẫn học sinh những cách thức làm hồ sơ thi ĐH, CĐ, THNC sao cho hợp lệ. Một học sinh gửi câu hỏi qua đường dây nóng: “Em là học sinh có hộ khẩu tại huyện Chư Sê nhưng đang học phổ thông tại TP. Hồ Chí Minh. Vậy khi làm hồ sơ đăng ký thi ĐH thì em thuộc khu vực nào?”. Đại diện ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh trả lời: “Nếu em học 2 năm ở TP. Hồ Chí Minh, 1 năm ở Gia Lai thì hồ sơ của em sẽ thuộc khu vực 3; nếu học mỗi nơi 1,5 năm thì sẽ căn cứ theo nơi em nhận bằng tốt nghiệp THPT; còn nếu em học 2 năm ở Gia Lai, 1 năm ở TP. Hồ Chí Minh thì được xếp vào khu vực 1”. Trả lời một học sinh đang băn khoăn giữa sở thích và năng lực trong việc chọn trường, đại diện ĐH Kinh tế- Luật (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) khẳng định: “Sở thích là yếu tố dẫn đường, còn năng lực là yếu tố quyết định. Em cần lựa chọn các khối, ngành nào phù hợp với sở thích, đồng thời xem điểm chuẩn qua các năm xem có phù hợp với năng lực của mình hay không. Chọn trường thì cần phải kết hợp cả sở thích và năng lực”.

Học tại Việt Nam, cấp bằng quốc tế

 
Trong khuôn khổ chương trình TVMT 2011, Báo Thanh Niên đã phối hợp với các trường ĐH, CĐ tham gia chương trình trao 12 suất học bổng (trị giá 1 triệu đồng/suất) cho các em học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh. 
Trước sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và học sinh về những trường chất lượng cao với bằng cấp quốc tế mà không phải du học ("du học" tại chỗ), đại diện Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cho biết, nhà trường đào tạo cả bậc ĐH và CĐ, chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với đội ngũ giảng viên nước ngoài chuyên nghiệp, bằng cấp của nhà trường có giá trị quốc gia và quốc tế; song điều kiện đi kèm là “học sinh phải có học lực khá giỏi trở lên và phải có khả năng tiếng Anh tốt mới có thể theo học được”. Đại diện trường Cao đẳng Quốc tế Kent cũng nêu một số thông tin về trường: Trường có 100% vốn đầu tư của Australia, sinh viên tốt nghiệp được học viện Kent tại Australia cấp bằng. Đặc biệt, trường không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; học sinh nào chưa đủ khả năng học hoàn toàn và trực tiếp bằng tiếng Anh thì sẽ được đào tạo thêm về ngoại ngữ.


Một thí sinh nữ tương lai nêu những băn khoăn về giới tính trong việc chọn trường: “Em muốn đăng ký thi vào trường ĐH Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh nhưng nghe nói một số ngành của trường không tuyển nữ?”. Trả lời câu hỏi trên, đại diện nhà trường cho biết, trước kia, 2 ngành thuộc nhóm ngành Hàng hải là Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu thủy chỉ… tuyển nam, không tuyển nữ, do điều kiện làm việc tại 2 ngành này rất vất vả đối với phái nữ. Tuy nhiên từ kỳ thi tuyển sinh 2011, hai ngành này sẽ tuyển nữ như những ngành kỹ thuật khác. Hội trường buổi TVMT cũng “nóng” lên trước một câu hỏi được rất nhiều học sinh quan tâm: “Học sinh có học lực trung bình- khá có cơ hội bước chân vào giảng đường các trường ĐH, CĐ không?”, đại diện trường ĐH Kinh tế- Luật khẳng định: “Với học lực trung bình- khá, các bạn vẫn có thể thi đậu ĐH, CĐ nếu các bạn chọn đúng trường. Cũng với 1 ngành học, nhưng có trường lấy điểm chuẩn thấp. Nếu chọn trường đúng năng lực thì cơ hội thành công sẽ cao hơn”.

Còn rất nhiều câu hỏi gửi đến Hội đồng tư vấn, song thời gian của buổi tư vấn chỉ gói gọn trong 2 giờ đồng hồ. Tuy vậy, em Nguyễn Thị Thanh Hải (lớp 12A1, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê) vẫn hài lòng cho biết: “Buổi tư vấn đã giúp em có thêm nhiều kinh nghiệm và hiểu biết để chuẩn bị cho mùa thi sắp tới”. Cuối buổi tư vấn, nhà báo Quang Minh Nhật cũng lưu ý: “Các em nên tập thói quen đọc báo, xem đài mỗi ngày để cập nhật thông tin tuyển sinh. Có 3 lĩnh vực nên quan tâm là: Ngành mới, trường mới và thông báo mới. Càng có nhiều thông tin mới thì các em càng có nhiều cơ hội bước chân vào các trường ĐH, CĐ”.

Theo Báo Gia Lai