Công nghiệp chế biến nông sản: Bỏ trống đến bao giờ?

25/02/2011 07:48 AM


Ngoài cây lương thực thông thường, Gia Lai có nhiều cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế lớn khác như cao su, cà phê, hồ tiêu... với sản lượng hàng năm hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn tấn sản phẩm cho mỗi loại. Song phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị nông sản vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Ngoài cây lương thực thông thường, Gia Lai có nhiều cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế lớn khác như cao su, cà phê, hồ tiêu... với sản lượng hàng năm hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn tấn sản phẩm cho mỗi loại. Song phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị nông sản vẫn là bài toán chưa có lời giải.
 
 
Ông Huỳnh Ngọc Tục- Giám đốc Sở Công thương cho rằng, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh thể hiện trên 2 phương diện quan trọng nhất: Đó là công nghiệp sản xuất điện chiếm khoảng 35% tổng giá trị, còn lại là giá trị từ công nghiệp chế biến mà công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh ta lại rất yếu. Nguyên nhân do bởi ngành công nghiệp này trong thời gian dài thiếu sự quy hoạch phát triển tương xứng và sự quan tâm cần thiết.
 
 
Chế biến mủ cao su. Ảnh: K.N.B
Chế biến mủ cao su. Ảnh: K.N.B
Về phương diện chủ quan, không kể 3 hội nghị kêu gọi đầu tư cấp tỉnh tổ chức ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiều địa phương trong tỉnh cũng ra sức kêu gọi nhưng kết quả mang lại chưa như mong muốn. Chỉ một ít dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư trở thành hiện thực. Cách trở giao thông, xa cảng biển, đường hàng không hạn chế, xa vùng nguyên liệu, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư thiếu cạnh tranh, chậm đổi mới cải cách hành chính, thủ tục đầu tư... đó có thể là những nguyên nhân. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh cũng bị động, chậm đổi mới công nghệ thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất và chế biến.
 
 
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5.415 cơ sở chế biến công nghiệp với những quy mô khác nhau, trong đó quy mô hộ cá thể là chủ yếu. Các cơ sở chế biến này có vai trò quan trọng là giải quyết đầu ra, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Với 23 ngàn ha mía trong toàn tỉnh, với 2 nhà máy đường hiện có (Ayun Pa và An Khê), sản lượng mía đều được đưa vào chế biến và sản lượng đường làm ra đều được tiêu thụ thuận lợi.
 
 
Nếu cuối năm 2009 việc tiêu thụ bất lợi, lượng đường các nhà máy còn tồn kho đến 18 ngàn tấn thì năm vừa rồi, đường làm ra đều tiêu thụ hết. Nhưng qua chế biến để nâng cao giá trị nông sản như thế không nhiều, chưa kể cần thiết đi vào chế biến sâu-nghĩa là từ mía không chỉ làm ra đường mà còn là bánh kẹo, giấy, hóa chất khác. Diện tích cây mì trên địa bàn tỉnh rất lớn, khoảng 50 ngàn ha. Lâu nay, đến kỳ thu hoạch, ngoài nhu cầu tiêu dùng thông thường, nông dân xắt lát, phơi khô bán mì cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu ở khắp nơi.
 
 
Chế biến mì tỉnh ta có 4 nhà máy nhưng hiện nay cơ sở Gia Tường (huyện Chư Prông) đã không còn hoạt động. Nhưng mì là nông sản bấp bênh, được mùa thì nhà máy mua hoặc nông dân tự tìm nguồn tiêu thụ, còn khi mất mùa thì nông dân tự gánh lấy. Cây cà phê toàn tỉnh đến 77 ngàn ha nhưng đi sâu chế biến, chúng ta đã làm được gì? Chủ yếu vẫn là tiêu thụ cà phê nhân. Chỉ một ít cơ sở rang xay với tổng công suất chừng 15.000 đến 20.000 tấn/năm, chỉ bằng 1/10 sản lượng cà phê toàn tỉnh!
 
 
Cao su thì có đến 98 ngàn ha, sản lượng đến hàng trăm ngàn tấn. Giá mủ cao su đang sốt thực sự-trên 100 triệu đồng/tấn nhưng chúng đang được tiêu thụ thô, giá trị gia tăng thu được không nhiều... Dự án xây dựng một nhà máy cao su tại Gia Lai là niềm mong mỏi của nhiều doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo nhưng đến nay nó vẫn chưa thành hiện thực. 
 
 
Điểm qua tình hình đầu ra và giá trị của một số cây trồng chủ lực và ngành công nghiệp chế biến của tỉnh để thấy sự cần thiết phải “hóa giải” những bất cập, yếu kém, tạo thế cạnh tranh, nâng cao giá trị nông sản. Vẫn phải nhắc lại là làm tốt công tác quy hoạch phát triển ngành, công tác này cần đi trước một bước.
 
 
Đối với khoa học công nghệ là phải đi tắt đón đầu, áp dụng công nghệ lạc hậu, lỗi thời thì chỉ có thất bại, thua thiệt. Quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh địa phương, xúc tiến đầu tư và thương mại cũng là việc làm thường xuyên, đi đôi với rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành chính sách mới ưu đãi hơn, khuyến khích hơn.
 
 
Chính sách hỗ trợ sau đầu tư cần đi vào thực chất, đúng nghĩa “hỗ trợ”. Đầu tư xây dựng hạ tầng các khu-cụm công nghiệp cho thật hoàn chỉnh, đồng bộ, để đón các nhà đầu tư đến với mình. “Đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu khoa học, chú trọng công trình, đề tài tìm kiếm giải pháp, công nghệ nâng cao giá trị nông sản, làm tăng giá trị nông sản vùng Tây Nguyên và của tỉnh”-ông Đỗ Viết Lộc-Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp Sở Công thương, đề nghị với không ít tâm huyết. 
 
 
Làm gì để nâng cao giá trị nông sản tỉnh ta, không lẽ không là một câu hỏi nhức nhối?

Theo Báo Gia Lai