Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin: Phấn đấu vì sự phát triển bền vững của đất nước và tỉnh nhà

21/02/2011 01:22 PM


Qua thực tiễn hoạt động Quốc hội trong nhiệm kỳ XII, thấy rằng kiến thức, năng lực, kỹ năng hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ngày càng nâng lên. Kết quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cử tri và thực tiễn đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước và địa phương.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai
Ông Hà Sơn Nhin
Qua thực tiễn hoạt động Quốc hội trong nhiệm kỳ XII, thấy rằng kiến thức, năng lực, kỹ năng hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ngày càng nâng lên. Kết quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cử tri và thực tiễn đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước và địa phương.
 
 
Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2007-2011 có 7 đại biểu Quốc hội (bằng với số lượng đại biểu Quốc hội khóa XI), được cử tri trong tỉnh bầu ra tại 3 đơn vị bầu cử. Đoàn có 2 đại biểu công tác tại Trung ương (ông Ksor Phước, ông Hà Công Long) và 5 đại biểu công tác tại địa phương (ông Hà Sơn Nhin, ông Nguyễn Danh, ông Dương Văn Trang, bà Rcom Sa Duyên, bà Nguyễn Thị Thu Hà); có 3 đại biểu Quốc hội chuyên trách (Trung ương 2, địa phương 1) và 4 đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm.
 
 
Quá trình triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII của tỉnh có những thuận lợi cơ bản và cũng gặp không ít khó khăn. Song với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát huy mặt thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân. Nổi bật là hoạt động xây dựng luật, giám sát, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân… của từng đại biểu Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ngày càng hiệu quả và thực chất.
 
 
Hoạt động xây dựng các dự án luật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã được triển khai nền nếp, bảo đảm chất lượng. Đoàn đã tổ chức việc nghiên cứu, lấy ý kiến tham gia xây dựng 73 dự án luật (hàng năm phân công mỗi đại biểu Quốc hội đảm nhiệm nghiên cứu, tham gia ý kiến và phát biểu tại diễn đàn Quốc hội từ 4 đến 5 dự án luật; khảo sát các vấn đề trọng tâm của dự án luật, các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và các vấn đề đặt ra qua tình hình thực tiễn tại địa phương; lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân tham gia xây dựng các dự án luật…).
 
 
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Nhật
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Nhật
Lãnh đạo Đoàn đại biểu đã chỉ đạo Văn phòng thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng công tác nghiên cứu, tổng hợp 596 lượt ý kiến tham gia xây dựng các dự án luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời gian quy định. Nhiều ý kiến tham gia có chất lượng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua hoặc hình thành chính sách trong giai đoạn cho ý kiến lần đầu đối với dự án luật, góp phần tích cực vào việc hoàn thành chương trình lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII.
 
 
Bên cạnh đó, Đoàn đã thực hiện hoạt động giám sát theo chương trình, kế hoạch và quy định của pháp luật đạt kết quả tốt, chất lượng và hiệu quả giám sát ngày càng được nâng cao, góp phần bảo đảm việc thực hiện đúng đắn chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Nội dung giám sát được Đoàn tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, bức xúc trong đời sống xã hội. Phương thức giám sát từng bước được cải tiến phù hợp với thực tế; đi sâu vào bản chất của vấn đề giám sát, tìm ra nguyên nhân hạn chế, bất cập trong việc thực thi chính sách, pháp luật; đưa ra những đánh giá và kiến nghị xác đáng để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đề ra biện pháp khắc phục hạn chế, thiếu sót nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 
 
Đoàn đã thành lập 8 đoàn giám sát và 1 đoàn khảo sát trên các lĩnh vực (bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xã hội hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm; xử lý vi phạm hành chính; xây dựng các công trình thủy điện; thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp; việc sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh).
 
 
Qua giám sát, khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đều ban hành kết luận, đánh giá ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật và nguyên nhân của khuyết điểm, hạn chế. Đồng thời, nêu ra 202 kiến nghị; trong đó, 78 kiến nghị với các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, 39 kiến nghị với chính quyền địa phương và 85 kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Sau giám sát, đoàn đã theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trả lời, giải quyết các kiến nghị nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.
 
 
Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật
Đến nay, có 85% kiến nghị của Đoàn đã được các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát và chính quyền địa phương tiếp thu, triển khai thực hiện; còn 15% kiến nghị đang được xem xét, từng bước thực hiện, vì có liên quan đến cơ chế, chính sách tầm vĩ mô và các nguồn lực để triển khai. Đi đôi với hoạt động giám sát của Đoàn, các đại biểu Quốc hội trong đoàn đã tham gia 16 đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội triển khai tại địa phương trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Qua kết quả giám sát, có thể khẳng định hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần tích cực hoàn thành chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội khóa XII đề ra và công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
 
Các đại biểu Quốc hội tỉnh đã liên hệ thường xuyên với cử tri thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân. Đoàn đã phối hợp với các cơ quan hữu quan ở địa phương tổ chức 228 hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc với hơn 24.000 lượt cử tri ở 212 lượt huyện, thị xã, thành phố để thu thập, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan nhà nước hữu quan và báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, phổ biến các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, động viên cử tri và nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
 
Tổng hợp kịp thời, đầy đủ 2.217 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri về các lĩnh vực quản lý nhà nước và sản xuất, đời sống của nhân dân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương xem xét, giải quyết thấu đáo, góp phần giải tỏa, tháo gỡ các vướng mắc, bức xúc của cử tri, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, củng cố niềm tin của cử tri và nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Đoàn đã có công văn gửi Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng và các sở, ban, ngành hữu quan nghiên cứu trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ và thông báo, phổ biến rộng rãi cho cử tri biết để giám sát việc thực hiện, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống của nhân dân và an sinh xã hội.
 
 
Trong hoạt động tiếp công dân, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp 190 lượt công dân và một đoàn 40 người đến trình bày, gửi đơn khiếu nại, tố cáo và phản ánh kiến nghị. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiên cứu, xử lý 584 đơn và theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết các đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định. Số lượng đơn đoàn đã chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và giám sát việc giải quyết ngày càng đạt kết quả, đúng chính sách, pháp luật (năm 2007 đạt 84%; năm 2008 đạt 89,2%, năm 2009 đạt 96%; năm 2010 đạt 96,5%). Qua đó, tăng thêm niềm tin của công dân đối với chính quyền địa phương, tạo được sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, không để phát sinh khiếu kiện đông người, tạo thành “điểm nóng”, giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
 
Đi đôi với các hoạt động nêu trên, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia đầy đủ 8 kỳ họp Quốc hội khóa XII, chấp hành nghiêm nội quy và các quy định của kỳ họp Quốc hội; có 48 chất vấn bằng văn bản và 5 chất vấn trực tiếp tại hội trường; phát biểu 298 lượt ý kiến vào các dự án luật, các vấn đề kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước và giám sát tối cao (thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội 241 lượt ý kiến; thảo luận tại hội trường 57 lượt ý kiến); xem xét, cho ý kiến, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần hoàn thành tốt nội dung, chương trình làm việc của mỗi kỳ họp đã đề ra.
 
 
Đồng thời, tích cực thực hiện các hoạt động do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban Dân nguyện phân công. Tham gia Tổ chức hữu nghị của Quốc hội Việt Nam với nghị sĩ các nước và các đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đi thăm, làm việc, học tập kinh nghiệm hoạt động tại một số nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.
 
 
Qua thực tiễn hoạt động Quốc hội trong nhiệm kỳ XII, thấy rằng kiến thức, năng lực, kỹ năng hoạt động của các đại biểu Quốc hội trong Đoàn ngày càng nâng lên. Kết quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cử tri và thực tiễn đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước và địa phương.
 
 
Để góp phần triển khai tốt các nhiệm vụ mà Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra trong giai đoạn mới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhà cần thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó với nhân dân, luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng giải quyết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thường xuyên đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động, phát huy tính năng động, sáng tạo của các đại biểu Quốc hội và bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Quốc hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương đạt chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.
 
 
Hà Sơn Nhin
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai

Theo Báo Gia Lai