Ngày của thơ ở Gia Lai

21/02/2011 07:18 AM


Một cuộc trình diễn thơ với nghệ thuật sắp đặt, ngôn ngữ thơ kết hợp với ngôn ngữ hội họa lần đầu tiên có ở Gia Lai vừa được tổ chức hôm 19-2 vừa qua tại Công viên Lý Tự Trọng (TP. Pleiku). Đây là một sân thơ nằm trong chuỗi hoạt động của “Ngày thơ Việt Nam tại Gia Lai” do Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức

Một cuộc trình diễn thơ với nghệ thuật sắp đặt, ngôn ngữ thơ kết hợp với ngôn ngữ hội họa lần đầu tiên có ở Gia Lai vừa được tổ chức hôm 19-2 vừa qua tại Công viên Lý Tự Trọng (TP. Pleiku). Đây là một sân thơ nằm trong chuỗi hoạt động của “Ngày thơ Việt Nam tại Gia Lai” do Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức, được một số nhà thơ, và đặc biệt là các họa sĩ trẻ, nhiệt tình xả thân thực hiện với một tiêu chí duy nhất: vì thơ, vì cái đẹp, vì công chúng.
 
 
Nhà thơ Văn Công Hùng gọi cuộc trình diễn này là “Thơ thị giác”. Một đồng nghiệp của tôi, sau khi đi xem thơ khắp lượt, nói: cứ gọi là bữa thưởng thơ thư pháp cho giản dị, dù nó được thể hiện trên chất liệu gì. Rồi anh cười. Tôi cũng cười, và dĩ nhiên là không bình luận, nhưng nghĩ: Rõ ràng, dẫu hiểu theo nghĩa nào thì hôm 19-2 này vẫn được coi là Ngày của thơ…
 
 
Sáng tạo để tôn vinh thơ
 
 
Là người đứng mũi chịu sào, nhà thơ Văn Công Hùng chia sẻ: Vốn dĩ, “Thơ thị giác” không lạ với các địa phương khác, nhưng chúng tôi vẫn rất hồi hộp khi đứng ra tổ chức sân thơ này tại Gia Lai. Bây giờ nó đã ra đời, sự bình luận thưởng ngoạn là của các bạn, chúng tôi cũng trở thành khán giả.
 
 
Đông đảo người đến với chương trình “Thơ thị giác”. Ảnh: Thu Huế
Đông đảo người đến với chương trình “Thơ thị giác”. Ảnh: Thu Huế
Bên cạnh cách thưởng thức thơ truyền thống, chúng ta thử một lần chiêm ngưỡng thơ từ một góc nhìn khác, cách nhìn khác. Chúng tôi muốn chúng ta cùng mở rộng biên độ tưởng tượng, với thơ. Và sẽ chẳng hạnh phúc nào lớn hơn với người sáng tác nếu tác phẩm được chiêm ngắm ở nhiều chiều, nhiều góc độ để thấy hết khả năng bùng nổ của nghệ thuật.

 
 
Thì chẳng phải những người có mặt tại khuôn viên nhỏ trước chùa Hộ Quốc cũ (trong công viên Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) ngày 19-2 cũng đã có những giây phút ngẩn mình… trước thơ đó sao. Ngay chính những người có thơ trình diễn trong chương trình này cũng không tránh khỏi sự ngỡ ngàng.
 
 
Tác giả trẻ Ngô Thị Thanh Vân tươi rói nụ cười: “Sân thơ lạ và tạo được ấn tượng. Năm đầu mà làm được như thế này là quá tuyệt!”. Tác giả Lê Bá Tuế cùng cười: “Không phải được, mà là rất được. Nhưng chưa thấy mấy câu của mình, chả biết nó nằm trên cái gì và ở chỗ nào”.
 
 
Tuy nhiên, cũng vẫn một câu hỏi đó- câu: “Bạn thấy chương trình này thế nào”, cô bé học trò Trường THPT Pleiku Nguyễn Thị Dạ Thảo sau một chút lặng im thì trả lời tôi như thế này: “Lần đầu tiên được đọc thơ viết trên xe máy, đàn ghi ta, chum, vại…, cháu thấy lạ lạ, vui vui, nhưng thực sự là không hiểu mấy.
 
 
Với những câu thơ được trích như thế này, cháu nghĩ là phải nhờ đến thầy cô hay chính tác giả giải nghĩa thì mới cảm nhận hết được”. Còn đây là lời của anh Nguyễn Văn Thắng (thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông): “Tôi là khách uống cà phê ngoài kia, thấy băng rôn giới thiệu thì ghé vào. Thi thoảng tôi có đọc thơ, đọc chơi thôi. Đúng là đọc thơ ở đây có khác, từ không gian đến cách trình bày, nhưng nói hiểu thì chưa đâu…”.
 
 
Năm sau chúng tôi vẫn làm…
 
 
Đây là lời khẳng định hăng hái của những người tham gia thực hiện chương trình. Và không chỉ là sân “Thơ thị giác” mà còn có “cả một chương trình thơ nhạc hoành tránh nữa”- lời của nhà thơ Văn Công Hùng. Còn với họa sĩ trẻ Mai Thị Kim Uyên thì: “Dĩ nhiên là nếu được mời. Nhưng giá như Ban tổ chức có thêm kinh phí để anh em họa sĩ thỏa mái phóng bút thì cả thơ và tranh sẽ phong phú và đẹp hơn, ý nghĩa hơn”.
 
 
Họa sĩ trẻ Mai Thị Kim Uyên đang trình diễn thơ trên xe máy. Ảnh: Thu Huế
Họa sĩ trẻ Mai Thị Kim Uyên đang trình diễn thơ trên xe máy. Ảnh: Thu Huế
Chuyện làm sân thơ mà người ít, thời gian ngặt nghèo, kinh phí càng ít thì anh Văn Công Hùng cũng đã đề cập đến khi trả lời phỏng vấn trên báo Gia Lai rồi. Và thực tế thì nó như thế này: Các họa sĩ- những chủ thể sáng tạo thứ 2 tham gia chương trình này duy nhất bằng lòng đam mê nghệ thuật vốn có. Tiền mua “nguyên vật liệu” để trình diễn thơ, Ban tổ chức có một chút kinh phí gọi là, thiếu thì… xem xét sau. Vậy nên, ngay trong buổi trưa 19-2, dù hai người chia nhau một ổ bánh mì, họ vẫn rất hào hứng.

 
 
Chìa cho tôi xem bàn tay đầy những vết trầy xước khi trình bày thơ, họa sĩ trẻ Tuấn cười sảng khoái: “Lặn lội gần mấy ngày đêm liền, cuối cùng chúng tôi cũng thành công. Vui nhất là được các họa sĩ đàn anh ghé tới, cho mình những lời nhận xét đắt giá, để làm kinh nghiệm cho năm sau. Mà chị cũng thấy đấy, người thưởng lãm thơ hôm nay cũng đâu có ít…”.
 
 
Quả là trong ngày 19-2 này, lúc nào cũng có người đến với sân thơ, dù khi nhặt, khi thưa, dù có người chỉ là hiếu kỳ mà tạt ngang qua, có người lại đến với tư cách như một trách nhiệm nhưng cũng không thiếu người đến với “Thơ thị giác” bằng một tình cảm thật ấm áp.
 
 
Nguyễn Doãn Hùng- giáo viên Trường Chu Văn An huyện Krông Pa chẳng hạn. Hùng bày tỏ: “Biết có chương trình này, tôi đi Pleiku từ hôm 18-2, 7 giờ sáng 19-2 đã đến với sân thơ rồi. Là người yêu thơ, tôi rất thích những hoạt động để tôn vinh thơ như thế này…”.

Theo Báo Gia Lai