Sản xuất Đông Xuân ở Ia Pa: Nhiều giải pháp tránh hạn cuối vụ

18/02/2011 07:26 AM


Đến thời điểm hiện tại, tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân các địa phương vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai đã đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao. Ngay sau Tết, bà con nông dân đã ra đồng chăm sóc cây trồng với nhiều hy vọng về một vụ sản xuất thắng lợi.

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân các địa phương vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai đã đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao. Ngay sau Tết, bà con nông dân đã ra đồng chăm sóc cây trồng với nhiều hy vọng về một vụ sản xuất thắng lợi.
 
 
Theo kế hoạch, tổng diện tích sản xuất vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện Ia Pa là 6.055 ha. Trong đó, chủ yếu tập trung các loại cây chủ lực và là thế mạnh như: Lúa nước 2.995 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 680 ha, bắp lai 530 ha, thuốc lá 430 ha, mía 250 ha, rau 530 ha…
 
 
Chăm sóc lúa Đông Xuân. Ảnh: Anh Khoa
Chăm sóc lúa Đông Xuân. Ảnh: Anh Khoa
Kết thúc gieo sạ, cây trồng trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển khá tốt. Nhưng hơn 1 tháng qua, thời tiết nắng nóng, không mưa đã tạo điều kiện cho sâu bệnh xuất hiện. Anh Nguyễn Thanh An, ở xã Ia Ma Rơn chia sẻ: Lúa mới bón phân đợt I nhưng rầy nâu đã xuất hiện. Mặc dù mật độ không cao nhưng nếu phát hiện muộn, phun thuốc phòng trừ không kịp thời, khi đến giai đoạn làm đòng, rầy nâu tàn phá rất nặng, có thể mất trắng.
 
 
Theo Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, trên diện tích lúa gieo sạ sớm, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn đã xuất hiện, tuy mức độ gây hại chưa đáng kể nhưng theo dự báo, thời gian đến bệnh đạo ôn có chiều hướng gia tăng trên những chân ruộng có mật độ gieo sạ dày, bón thừa phân đạm.
 
 
Rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 theo chu kỳ sinh trưởng sẽ gây hại mạnh trên diện tích lúa gieo sạ sớm rồi lây lan sang lúa đại trà, ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Đông Xuân. Chúng không những trực tiếp làm giảm năng suất, chất lượng lúa mà còn là đối tượng lây truyền vi rút bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc rất nguy hiểm và khó phòng trừ.
 
 
Mặt khác, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp nắng nóng kéo dài còn dẫn đến nguy cơ hạn cuối vụ trên các cánh đồng. Hiện mực nước tại các sông suối trên địa bàn đã thấp hơn nhiều so với những năm trước. Thêm vào đó, các công trình thủy điện trên sông Ba và suối Đak Pi Hiao chặn dòng tích nước để phát điện càng làm nguồn nước xuống thấp, 6 trạm bơm điện cung cấp nước tưới cho lúa nước trên các cánh đồng vùng hạ lưu không đủ nước tưới.
 
 
Trên sông Ba, thủy điện An Khê-Ka Nak, thủy điện Đak Srông 2 và Đak Srông 2A chặn dòng làm cho các trạm bơm điện Ma Năng 2, xã Kim Tân, trạm bơm Ia Kdăm, Plei Toan- xã Ia Kdăm; trạm bơm Chư Mố 1, Chư Mố 2, Chư Mố 3 xã Chư Mố bị thiếu nước nghiêm trọng. Mực nước tại các trạm bơm này đã tiến sát mực nước chết (thấp hơn vị trí đặt ống bơm cố định). Trên suối Đak Pi Hiao, thủy điện Đak Pi Hiao chặn dòng làm cho các trạm bơm điện 1 và 2 xã Pờ Tó, 1 và 2 xã Chư Răng, và trạm bơm 1 xã Kim Tân không đủ nước bơm tưới cho cây trồng.
 
 
Để hạn chế thiệt hại do hạn hán xảy ra vào cuối vụ, Phòng nông nghiệp và PTNT huyện đã chỉ đạo và đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, đề nghị UBND huyện trích nguồn kinh phí dự phòng để cải tạo, nạo vét hạ ống hút các trạm bơm với hy vọng cung cấp đủ nước tưới.
 
 
Đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã, trạm bơm nạo vét kênh mương dẫn nước tích vào ao, hồ chứa. Vận động nhân dân chuyển toàn bộ diện tích sản xuất lúa nước thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày nhằm giảm thiệt hại cho bà con nông dân. Trạm Bảo vệ Thực vật cũng thường xuyên cử cán bộ theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên cây trồng nhất là rầy nâu hại lúa để triển khai các biện pháp phòng trừ tránh lây lan trên diện rộng gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng chung của toàn huyện.

Theo Báo Gia Lai