Gia Lai: Thiếu trầm trọng cán bộ y tế học đường

18/02/2011 07:22 AM


“Theo quy định của ngành Giáo dục, mỗi trường phải có 1 cán bộ y tế học đường, nhưng hiện chỉ có 6/78 trường học trên địa bàn TP. Pleiku (Gia Lai) có cán bộ y tế”-ông Hoàng Ngọc Luận-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, cho biết thực trạng này.

“Theo quy định của ngành Giáo dục, mỗi trường phải có 1 cán bộ y tế học đường, nhưng hiện chỉ có 6/78 trường học trên địa bàn TP. Pleiku (Gia Lai) có cán bộ y tế”-ông Hoàng Ngọc Luận-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, cho biết thực trạng này.
 
 
6 trường được “ưu tiên” có cán bộ y tế học đường đều là những trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia hoặc nhiều lớp, gồm: Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Võ Thị Sáu, Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Tiểu học Nguyễn Trãi, THCS Nguyễn Du và THCS Phạm Hồng Thái.
 
 
“Đếm trên đầu ngón tay”
 
 
“Trường thành lập từ năm 1994, nhưng đến đầu tháng 1 năm nay mới được tiếp nhận 1 cán bộ y tế do Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku điều động về”-cô Trần Thị Bích Liên-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc vui vẻ giới thiệu về y sĩ Phạm Minh Nam-cán bộ chuyên trách công tác y tế mới toanh thuộc biên chế của trường.
 
 
Y sĩ Phạm Minh Nam kiểm tra các lọ lưu mẫu thực phẩm tại nhà bếp tập thể của Tường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Duyên
Y sĩ Phạm Minh Nam kiểm tra các lọ lưu mẫu thực phẩm tại nhà bếp tập thể của Tường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Duyên
Cũng theo cô Liên, trước kia nhà trường vẫn có trang bị một số thuốc thông dụng như thuốc đau đầu, đau bụng… và các dụng cụ y tế đơn giản như bông băng, dầu gió…, nhưng “biết gì làm nấy” vì không ai có chuyên môn, đa phần các giáo viên đều phải kiêm nhiệm. Nhiều lần, trường phải đưa học sinh đi cấp cứu vì té ngã gây thương tích do chạy nhảy, đùa giỡn. “Có y sĩ Nam về trường thì công tác y tế học đường sẽ quy củ hơn, hiệu quả hơn”-cô Liên tin tưởng nói.
 
 
Y sĩ đa khoa Minh Nam tốt nghiệp Trường Quân y II-Chi nhánh Đồng Nai, tuy mới về trường hơn 1 tháng nhưng đã có ca sơ cứu đầu tiên vào ngày 11-2 khi một học sinh lớp 5 ngã đập đầu vào ghế đá trong giờ ra chơi. Trước kia, với trường hợp này nhà trường sẽ phải đưa học sinh đến Trạm Y tế phường Thống Nhất hoặc gọi điện cho gia đình; tuy nhiên y sĩ Nam đã xử lý ngay bằng cách kiểm tra, rửa vết thương, băng bó (không cần phải khâu), sau đó học sinh này vẫn tiếp tục giờ học bình thường.
 
 
Nam cho biết, ngoài chăm sóc sức khỏe cho 891 học sinh trong trường, nhiệm vụ của anh còn kiểm tra vệ sinh môi trường, kiểm tra bếp ăn và các lọ lưu mẫu thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (trường có 6 lớp bán trú); phối hợp với Trạm Y tế phường tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm cho học sinh. Ngoài ra, vì quá thiếu cán bộ y tế học đường, theo sự phân công của Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, Nam còn tăng cường ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi 4 buổi/tuần.
 
 
Trong khi đó, các trường mầm non, những nơi cũng rất cần có cán bộ y tế học đường thì lại không có cán bộ chuyên trách lĩnh vực này, do quy định không bố trí chỉ tiêu biên chế đối với các trường mầm non ở vùng thuận lợi. Chính vì thế, Trường Mầm non 3-2 (phường Hội Thương) và Trường Mầm non 19-8 (phường Hoa Lư) đã quyết định hợp đồng với nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Song, trao đổi với P.V, cô Nguyễn Thị Thanh Hà-Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-8, cho hay, cán bộ y tế hợp đồng với trường đã nghỉ làm vì có chỉ tiêu biên chế ở một trường khác, trường tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu cán bộ y tế, mặc dù đây là yêu cầu bắt buộc ở một trường chuẩn quốc gia.
 
 
Theo cô Hà, hàng năm trường đều phối hợp với cán bộ y tế phường Hoa Lư tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2-3 lần/năm cho các cháu, thực hiện những đợt tiêm chủng mở rộng, giáo viên cũng thường xuyên tham gia các đợt tập huấn về y tế trường học. Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là chăm sóc sức khỏe hàng ngày với chuyên môn bài bản, bởi học sinh mầm non nhỏ tuổi, lại ở trường cả ngày nên đau ốm, nhức đầu, sổ mũi… là những bệnh các em thường mắc phải. Chưa kể, học sinh mầm non là lứa tuổi dễ bị tai nạn nhất. Đã có trường hợp học sinh bứt hạt cườm trên áo nhét vào mũi, tai, phải đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để xử lý. “Cán bộ y tế trường học là quan trọng và cần thiết phải có ở các trường mầm non, nhưng do cơ chế thì đành chịu”-cô Hà nói.
 
 
Cần có mức lương và phụ cấp thích hợp
 
 
Những nguyên nhân khiến cán bộ y tế học đường trở nên “khan hiếm” được ông Hoàng Ngọc Luận và nhiều người trong ngành Y tế lý giải: Làm việc ở cơ sở y tế trường học dễ “lụt nghề”, mức lương và phụ cấp lại thấp hơn bệnh viện và các trạm y tế (chưa đến 1,5 triệu đồng/tháng). Chính vì thế, năm 2009 Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku có 6 biên chế y tế trường học nhưng chỉ tuyển được… 1 người, năm 2010 được giao 9 nhưng chỉ tuyển được có 3! Trong điều kiện đó, 3 trong số 6 nhân viên y tế học đường phải “chạy sô” thêm ở các Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Lê Quý Đôn và Lương Thạnh.
 
  
Theo Thông tư liên tịch số 35/2006/BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, các trường tiểu học, THCS, THPT đều được bố trí 1 biên chế cho nhân viên y tế học đường. Riêng với cấp học THCS và THPT, trường có từ 40 lớp trở lên được bố trí thêm 1 biên chế.
Không riêng gì TP. Pleiku, các huyện trên địa bàn tỉnh cũng thiếu cán bộ chuyên trách y tế học đường trầm trọng. Theo thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, cả huyện Chư Sê chỉ có… 1 cán bộ y tế học đường, Đức Cơ: 1, Chư Pah: 1, Kbang: 2, Phú Thiện: 4, Đak Đoa: 4, Chư Prông: 2, An Khê: 6… ông Hoàng Ngọc Luận nêu ý kiến: “Có lẽ cần xem xét để có chế độ về lương và phụ cấp thích hợp thì mới thu hút được cán bộ y tế về công tác tại các đơn vị trường học”.
 
 
Trong khi đó, để giải quyết vấn đề này, các trường mầm non đều phải “tự bơi”. Cô Thanh Hà-Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-8, cũng cho biết: “Tới đây trường đề nghị Phòng cử một cán bộ y tế hợp đồng xuống, hoặc sẽ bàn bạc với phụ huynh học sinh hợp đồng nhân viên y tế nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh”. Nên chăng, với bậc học mầm non, cần có những cơ chế linh hoạt để chăm lo tốt hơn sức khỏe của thế hệ tương lai?
 
 

Theo Báo Gia Lai